Phụ khoa

Thông tin về Sa tử cung
[ Cập nhật vào ngày (26/07/2016) ]

Sa tử cung hay còn gọi là sa sinh dục là sự đi xuống của tử cung, trực tràng hoặc bàng quang vào trong hoặc ra ngoài âm đạo, phần sa này sẽ tạo một khối phồng trong âm đạo mà dân gian thường gọi là “cục thịt dư”


Sa tử cung là gì?

Sa tử cung hay còn gọi là sa sinh dục là sự đi xuống của tử cung, trực tràng hoặc bàng quang vào trong hoặc ra ngoài âm đạo, phần sa này sẽ tạo một khối phồng trong âm đạo mà dân gian thường gọi là “cục thịt dư”. Sa tử cung là một bệnh lý không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người phụ nữ, đặc biệt phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Ngày nay, sa tử cung được gọi chính xác hơn là sa tạng chậu, bao gồm:

- Sa bàng quang

- Sa tử cung

- Sa ruột non

- Sa trực tràng

- Sa vòm âm đạo

Tỉ lệ và độ tuổi thường gặp

Sa tạng chậu là một trong những bệnh phổ biến nhất của phụ nữ lớn tuổi, chiếm khoảng 50% phụ nữ độ tuổi từ 50 – 79 tuổi. Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 300.000 phụ nữ được phẫu thuật vì sa tạng chậu, chiếm 11% tổng số phẫu thuật phụ khoa và đứng thứ 3 sau u xơ tử cung và u nang buồng trứng.

Nguyên nhân gây sa tạng vùng chậu?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến sa các tạng vùng chậu, chẳng hạn như số lần sanh ngã âm đạo, tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em sa tạng chậu, mãn kinh, nâng vật nặng, béo phì, hút thuốc lá, ho mãn tính, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính, bệnh thần kinh hay do chủng tộc.

Các triệu chứng của sa tạng chậu là gì?

Như đã nói ở trên, sa tạng chậu không gây đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người phụ nữ. Thể hiện qua 2 nhóm triệu chứng chính:

A. Các triệu chứng thể chất bao gồm:

- Sờ thấy khối phồng bên trong hoặc thập thò âm hộ

- Cảm giác trằn nặng vùng chậu

- Són tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, tiểu khó

- Đi tiêu khó khăn

- Đau lưng dưới

- Đau khi giao hợp

B. Triệu chứng cảm xúc

Phụ nữ bị sa tạng vùng chậu thường cảm thấy cô đơn, cô lập và chán nản. Họ thường cảm thấy bối rối, ngại tiếp xúc, không thể chia sẻ với ai, và cũng không biết phải điều trị như thế nào.

 

Để phát hiện bệnh sớm, khi nào người phụ nữ nên liên hệ với bác sĩ?

Khi có một trong các triệu chứng sau đây:

Khi cảm thấy có một khối phồng thò ra khỏi âm đạo

Khi có triệu chứng đau lưng dưới hoặc gia tăng áp lực vùng chậu gây trở ngại cho các hoạt động hàng ngày

Khi có ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh,

Khí bị són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, hay bị nhiễm trùng niệu tái phát

Khi quan hệ tình dục đau đớn hoặc khó khăn

Cần đánh giá những gì sau khi được chẩn đoán sa tạng chậu?

Khám phụ khoa

Đánh giá mức độ sa của các cơ quan vùng chậu

Đánh giá các triệu chứng đường tiểu và triệu chứng đi tiêu

Khám thần kinh và đánh giá sức cơ vùng chậu

Xét nghiệm nước tiểu

Có thể cần phải thực hiện một số cận lâm sàng chuyên biệt như đo niệu động học hoặc chụp cộng hưởng từ

Thảo luận với bác sĩ về chẩn đoán và lựa chọn các phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị sa tạng chậu?

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và khó chịu của sa tạng chậu chứ không phụ thuộc vào mức độ sa. Người phụ nữ có thể sa tử cung độ nhẹ nhưng cảm thấy khó chịu nhiều vẫn cần được điều trị. Có ba lựa chọn chính trong điều trị sa tạng chậu:

Thay đổi thói quen sinh hoạt và tập luyện :

Tập luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn.

Tập luyên cơ sàn chậu với máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập.

Tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiêu tiểu.

Điều trị thuốc khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.

S ử dụng vòng nâng điều trị sa tạng chậu

Chỉ định phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.

- Phẫu thuật ngã âm đạo: Phương pháp được ưa chuộng hiện nay là đặt mảnh ghép tổng hợp trong âm đạo để nâng bàng quang, tử cung, trực tràng. Phương pháp này có hiệu quả cao, ít biến chứng, tỉ lệ tái phát thấp và không để lại sẹo nên thường được bệnh nhân và phẫu thuật viên lựa chọn.

- Phẫu thuật ngã bụng: có thể thông qua mổ mở hay mổ nội soi

Cách phòng tránh bệnh sa tạng chậu

Nguyên nhân chính của sa tạng chậu là do sự suy yếu của các cơ vùng chậu, có một số phương pháp có thể làm giảm và tránh nguy cơ mắc bệnh cũng như làm nhẹ đi các triệu chứng của bệnh

Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Bằng cách giữ hoặc đạt được trọng lượng trong giới hạn cho phép.

Thực hành bài tập Kegel: Quá trình mang thai và sanh nở có thể làm suy yếu mô liên kết và các cơ sàn chậu. Do đó, trước và sau khi sanh phụ nữ có thể tập một số bài tập nhằm tăng cường sức cơ sàn chậu như bài tập Kegel. Nếu không, có thể chỉ cần các bài tập cơ bản như có giãn cơ sàn chậu cũng có hiệu quả trong dự phòng bệnh sa tạng chậu

Kiểm soát ho: Điều trị ho mãn tính, viêm phế quản và không hút thuốc lá.

Tình hình điều trị tại Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ

Sau một năm thành lập, bệnh viện Phụ Sản Thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận khoảng 300 trường hợp sa tạng chậu đến khám và điều trị. Triệu chứng chính khiến người phụ nữ đi khám là sờ thấy một khối “thịt dư” sa ra ngoài âm đạo, các triệu chứng thường gặp khác là rối loạn đi tiểu, đi cầu khó và viêm loét khối sa. Tại bệnh viện chưa gặp trường hợp nào giống như bà cụ 87 tuổi ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, một số trường hợp đến trễ, có nhiều triệu chứng như viêm loét cổ tử cung nặng phải điều trị một thời gian dài mới có thể phẫu thuật được.

Tại bệnh viện cũng đã có phòng khám sàn chậu chuyên điều trị các rối loạn về chức năng sàn chậu bao gồm sa tử cung, bàng quang, trực tràng, rối loạn đi tiểu… Hiện bệnh viện cũng đang thực hiện các kỹ thuật như:

- Tập sàn chậu

- Đặt vòng nâng

- Phẫu thuật cắt tử cung ngã bụng và ngã âm đạo

- Phẫu thuật đặt mảnh ghép tổng hợp treo bàng quang, tử cung, trực tràng qua ngã âm đạo và nội soi ổ bụng.

Nguồn:

American Urogynecologic Society, 2012




CN Tăng Kim Thương Theo ThS. Bs Trịnh Hoài Ngọc - Khoa Phụ - Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ