KIẾN THỨC SẢN KHOA - HIẾM MUỘN

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành tinh trùng
[ Cập nhật vào ngày (13/06/2016) ]


Thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ, duy trì nòi giống… đó là một điều rất tự nhiên giản dị nhưng cũng rất đỗi kỳ diệu và thiêng liêng, có ý nghĩa hết sức quan trọng ở tầm vĩ mô như thế giới, quốc gia và cả ở tầm vi mô như tế bào xã hội là gia đình và trong mỗi bản thân một con người. Từ trước đến nay đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành tinh trùng. Kết quả là người ta đã xác định được khá nhiều nguyên nhân như: môi trường sống, điều kiện tinh thần, thể chất, chế độ làm việc, sinh hoạt, nghề nghiệp, hóa chất… ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình sinh tinh.

Lối sống căng thẳng thần kinh, stress (cảm ứng tâm lý): ảnh hưởng đến các hormone có thể làm tinh trùng giảm đi. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều áp lực luôn tồn tại đồng hành. Đó là một vấn đề rất đáng lo ngại. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Lians Skakkback, thuộc Đại học Y Khoa Copenhague (Đan Mạch) vừa đăng công trình khảo cứu của mình trên tạp chí British Medical Joural cho hay từ năm 1939 – 1990 số lượng tinh trùng trong 1ml tinh dịch của đàn ông Châu Âu giảm đi gần 50%, đồng thời lượng tinh dịch trung bình xuất ra trong mỗi lần giao hợp cũng giảm nhiều do stress.

Chế độ ăn uống : thiếu một số chất như: vitamin A, vitamin E, vitamin D, vitamin K, một số acid béo, acid amin cần thiết như arginin, lysine, glutamine…, glucid, prostaglandin và các chất khoáng như calci, kẽm, phosphor, selenium, crôm… có thể ảnh hưởng trực tiếp lên tinh hoàn và gây giảm sinh tinh. Thiếu vitamin có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh do ảnh hưởng trực tiếp lên tuyến yên và gián tiếp lên tinh hoàn. Gần đây nhiều quan điểm cho rằng các thức ăn hiện đại thường chứa nhiều gốc hóa học có tính estrogenic yếu, nếu tích tụ lâu ngày, có thể ức chế sinh tinh. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng giảm chất lượng tinh trùng của nam giới đang được báo động. Bên cạnh chế độ, khẩu phần ăn uống thì cách chế biến đúng cách và ăn uống đúng mức bảo đảm hấp thụ tinh chất của thức ăn thuận lợi cũng có ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.

Nhiễm trùng : một số trường hợp vô sinh nam do giảm sinh tinh trùng sau biến chứng viêm tinh hoàn của bệnh quai bị (cả hai tinh hoàn đều bị ảnh hưởng có thể gây vô sinh). Biểu mô sinh tinh bị ảnh hưởng hay bị hủy hoàn toàn có thể do tác động trực tiếp của nhiễm trùng, do hiện tượng viêm, tăng nhiệt độ hoặc do phản ứng miễn dịch sau khi hàng rào máu - tinh hoàn bị phá hủy.

Hormon

: có hai hormone tuyến yên có ảnh hưởng tới cơ quan sinh dục nam là FSH và LH. Hai hormone được tiết ra dưới sự ảnh hưởng của LHRH ở vùng dưới đồi.





Tăng nhiệt độ tinh hoàn : ở người, nhiệt độ ở bìu thường thấp hơn thân nhiệt khoảng 20C. Vì vậy quá trình sinh tinh cũng như chất lượng tinh trùng ở nam giới có thể ảnh hưởng nếu người đó bị bệnh hoặc làm việc trong điều kiện, môi trường nhiệt độ cao như:

Ø Tinh hoàn không xuống hoặc tinh hoàn ẩn, quá trình sinh tinh sẽ bị ngưng lại.

Ø Sốt trên 38,50C có thể ức chế quá trình sinh tinh trong 6 tháng (WHO, 1987).

Ø Những tài xế lái xe đường dài, có thể do tư thế ngồi lâu và điều kiện làm việc khiến nhiệt độ bìu tăng, dẫn đến giảm sinh tinh và vô sinh.

Ø Làm trong các ngành nghề: đầu bếp, thợ hàn, thợ luyện kim, thợ hồ… chất lượng tinh trùng giảm.

Ø Ngoài ra, mặc quần áo bó chặt làm tăng nhiệt độ tinh hoàn cũng gây ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.

Môi trường sống và làm việc : nhiễm một số kim loại độc như chì, cadmium, và thủy ngân có thể gây giảm sinh tinh và vô sinh. Hút thuốc lá và uống rượu nhiều cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp làm giảm sinh tinh, có hại tới khả năng sinh sản của nam giới. Mặc dù uống nhiều rượu có thể làm giảm số lượng tinh trùng, nhưng ảnh hưởng chính của nó là làm tổn thương tới sự chế tiết testosterone, rượu làm tăng quá trình phân hủy hormone này, cũng như biến đổi ngược lại thành estrogen. Điều này dẫn tới sự suy giảm ham muốn tình dục. Nghiện rượu là một nguyên nhân lớn gây liệt dương.

Thuốc diệt cỏ (Dioxin) được ghi nhận có tác động lên quá trình sinh tinh và có thể gây vô sinh. Quá trình sinh tinh trùng rất nhạy cảm với nhiều loại hóa chất có nguồn gốc công nghiệp và nông nghiệp. Thuốc trừ sâu (DBCP, Chlordecone. Ethylen dibromide) và các dung môi hữu cơ (Glycolethers, Cacbob disulphide, Perchloroethylen, 2 – bromopropane) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác động xấu đến quá trình sinh tinh, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Các tác động có thể trực tiếp lên quát trình sinh tinh ở tinh hoàn, sau tinh hoàn hoặc lên các tuyến sinh dục phụ.

Trong một nghiên cứu tại Việt Nam, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhóm nghề nghiệp có tiếp xúc với thuốc trừ sâu, các thông số về mật độ, độ di động và hình dạng bình thường của tinh trùng đều giảm so với nhóm không tiếp xúc.

Ảnh hưởng của phóng xạ : tinh nguyên bào trong giai đoạn phân chia rất nhạy cảm với phóng xạ, trong khi tinh nguyên bào gốc, tinh tử và tinh trùng ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với phóng xạ cường độ cao, tất cả các loại tế bào sinh tinh đều bị ảnh hưởng có thể dẫn đến vô tinh không hồi phục.

Ngoài ra, mặc dù quá trình sinh tinh có thể hồi phục nhưng phóng xạ có thể gây tổn thương nhiễm sắc thể và gây bất thường ở thế hệ sau. Do đó, ở những bệnh nhân xạ trị để điều trị ung thư, người ta có thể trữ lạnh tinh trùng trước khi xạ trị để duy trì khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Từ trường : người ta ghi nhận rằng từ trường với tần số thấp và cường độ cao có thể gây tổn thương quá trình sinh tinh. Trong môi trường sống hiện nay, từ trường chủ yếu được tạo bởi các thiết bị điện gia dụng, thiết bị điện công nghiệp hoặc đường dẫn truyền điện. Các dạng từ trường này có sự thay đổi về tần số, cường độ và bước sóng. Gần đây, người ta cho rằng từ trường do điện thoại gây ra với tần số cao và cường độ trung bình cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình sinh tinh do tác động lên tuyến yên.

Một số loại thuốc: Cimetidine (trị loét dạ dày), Salazopyrin (trị viêm đại tràng), Phenintoin (trị động kinh), Nitrofurantoin (trị Viêm đường tiết niệu), Cyclophosphamid (trị ung thư), Colchichine (trị gout). Khi dùng kháng sinh có thể làm cho số lượng tinh trùng giảm xuống tới tận 0. Phải mất khoảng 70 ngày để tạo ra một thế hệ tinh trùng mới, bất kỳ một bệnh lý nào trong thời gian này đều có thể ảnh hưởng đến sự sản sinh tinh trùng.

Một số thuốc gây nghiện như ma túy có thể gây vô sinh và làm giảm sự chế tiết hormone LH, FSH. Những thuốc ma túy nặng, đặc biệt là morphin, heroin là nguyên nhân hiển nhiên của vô sinh và liệt dương. Nó có thể kích thích chế tiết một loại hormone khác gọi là prolactin dẫn tới tổn thương chức năng tạo tinh trùng, giảm chế tiết testosterone...

Các bệnh toàn thân : các bệnh lý toàn thân đều ít nhiều có ảnh hưởng đến hoạt động của tinh hoàn, nhưng nhiều khi không được chú ý. Các tình trạng bệnh lý cấp tính nặng như: phỏng, nhồi máu cơ tim, chấn thương, phẫu thuật… đều ức chế chức năng tinh hoàn.

Suy thận mãn tính dẫn đến rối loạn điều hòa trực tiếp hạ đồi tuyến yên và gián tiếp ức chế chức năng tinh hoàn. Suy gan mãn tính gây rối loạn nội tiết, dẫn đến giảm sinh tinh, teo tinh hoàn, nữ hóa, giảm chức năng sinh hoạt tình dục. Các bệnh lý về đường tiêu hóa, huyết học, nội tiết đều được báo cáo có tác dụng giảm quá trình sinh tinh.

Ở những bệnh nhân có bệnh lý ác tính, sinh tinh thường giảm mạnh hoặc ngưng hoàn toàn, chủ yếu do tác động của các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị. Ngoài ra, bất thường trong sản sinh tinh trùng có thể do tinh hoàn bị tổn thương bởi các tác động cơ học, do các chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu, giãn tĩnh mạch thừng tinh, chất hóa học (cadimi) và những thuốc khác đôi khi làm tổn thương tinh hoàn, hoặc do tác động nữ hóa của nhiều chất tổng hợp mà con người sử dụng…




Kim Thương Theo Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ