TIN TỨC BỆNH VIỆN

NHỮNG “CHIẾN BINH” BẢO VỆ MẸ CON SẢN PHỤ MẮC COVID-19
[ Cập nhật vào ngày (06/09/2021) ]

Có những phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh lại nhiễm COVID-19. Họ rất lo lắng cho sức khỏe cả mẹ và con. Tuy nhiên, những sản phụ ấy không vượt cạn một mình mà luôn có sự đồng hành của các y bác sĩ.


Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các y bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông” cho 6 trường hợp sản phụ nhiễm COVID-19. Đêm 7-8, một sản phụ được chuyển đến từ BV Dã chiến ở quận Bình Thủy. Khi tiếp nhận thông tin sản phụ với tình trạng thai 36 tuần, con lần 3, ngôi đầu, có dấu hiệu chuyển dạ, đội phản ứng nhanh của BV chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng. Ngay khi sản phụ vào viện, ê-kíp khẩn cấp phẫu thuật lấy thai để bảo toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé. Ca mổ thành công, bé trai chào đời nặng 3.100gram, được chuyển đến khu vực cách ly điều trị COVID-19 của BV Nhi đồng TP Cần Thơ.

Ekip bác sĩ đội phản ứng nhanh thực hiện thăm khám cho sản phụ 

Những cuộc mổ bắt con luôn tiềm ẩn tai biến sản khoa, nhất là trường hợp sản phụ có tiền sử vết mổ cũ, dọa sinh non, nguy cơ tiền sản giật. Với sản phụ mắc COVID-19, các bác sĩ căng thẳng hơn. Sau mổ, ê-kíp tiếp tục theo dõi sát sao trong 24-48 giờ tình trạng hậu phẫu của sản phụ. BS Phạm Thanh Trà, làm việc tại Khoa Hậu phẫu, là thành viên Ðội phản ứng nhanh của BV Phụ sản TP Cần Thơ, tham gia 2 ca phẫu thuật cho sản phụ mắc COVID-19, chia sẻ: “Sản phụ mắc COVID-19 thường hay lo lắng, chúng tôi quan tâm động viên, hỗ trợ tinh thần thường xuyên để chị em có thể yên tâm, hợp tác tích cực với y bác sĩ trong quá trình nằm viện”.

Cùng với đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp cấp cứu, đội ngũ xét nghiệm cũng đương đầu với nhiều rủi ro, nguy cơ mắc bệnh trong quá trình chữa trị cho sản phụ mắc COVID-19. ThS. BS Lê Hồng Thịnh, Trưởng khoa Xét nghiệm - Di truyền học, BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: “Áp lực lớn đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 là làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và mẫu bệnh phẩm. Do đó, những cán bộ được chọn làm xét nghiệm COVID-19 không chỉ có nhiều kinh nghiệm mà còn vững vàng trong chuyên môn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học”.

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ thực hiện thăm khám cho sản phụ

Trong quy trình xét nghiệm, chỉ cần một chút lơ là, bỏ qua hoặc thao tác không chính xác một bước nhỏ cũng làm sai lệch kết quả, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân cũng như công tác điều trị và phòng, chống dịch COVID-19. “Dịch bùng phát, lượng mẫu xét nghiệm tăng liên tục. Nhiều hôm phải làm đến tối mới về, hay đi làm cả ngày thứ 7, Chủ nhật. Những ngày chống dịch cao điểm này, tất cả đều phải gác lại, nỗ lực đảm bảo an toàn cho người bệnh và BV” - anh Lê Nhật Tín, Kỹ thuật viên trưởng khoa Xét nghiệm - Di truyền học chia sẻ.

Quy trình tiếp nhận người bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn còn nhờ những chiến sĩ thầm lặng. BS CKII Lương Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV, bày tỏ cảm xúc: “Cảm ơn em, người chiến sĩ không tên”. Người chiến sĩ mà BS Phượng nhắc đến là những nhân viên phun khử khuẩn Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. BS Phượng kể: “Hai tuần nay tôi thấy em gầy hẳn đi vì bộ đồ bảo hộ luôn ướt đẫm. Tối qua 19h gặp em đang chờ khử khuẩn phòng khám cách ly cho đúng quy trình để trả lại môi trường an toàn cho người bệnh cấp cứu buổi tối. Xong việc em mới về phòng ăn vội miếng cơm thì ở phòng phẫu thuật có ca mổ thai ngoài của người bệnh khu phong toả cần khử khuẩn. Cứ thế, em mang chiếc bình đi lại suốt đêm và đến 6h sáng em vội khử khuẩn khu khám cách ly nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh khám buổi sáng”.

Kỹ sư Lý Hoàng Phi thực hiện công tác khử khẩu trong Bệnh viện

Cứ mỗi lần BV chuẩn bị nhận F0 về hoặc đưa F0 đi, các nhân viên lại có mặt phun khử khuẩn lối đi trước và sau khi xe qua. Những nhân viên này xuất hiện mọi nơi trên đường đi của F0, F1 và nhân viên y tế trong khu điều trị cách ly. Một trong những chiến sĩ thầm lặng đó là kỹ sư Lý Hoàng Phi, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Anh Phi bộc bạch: “Một đội có 4 người, thay phiên nhau trực từ sáng tới khuya. Khi công việc nhiều, phải huy động toàn đội, bảo vệ môi trường an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Nhà tôi ở khu vực đang phong tỏa, ba mẹ già yếu, con nhỏ, tôi đi làm nhưng cũng nhớ và lo cho gia đình, người thân. Song giai đoạn dịch bệnh này, nhân viên y tế phải xông pha, cùng nhau gánh vác, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi có thêm động lực nhờ sự quan tâm của lãnh đạo BV và đồng nghiệp, động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp cộng đồng sớm trở lại cuộc sống bình thường”.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Bạn không muốn bỏ lỡ các thông tin mới nhất?

tin nổi bật


Liên kiết

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ