TIN TỨC BỆNH VIỆN

ÂM THẦM ƯƠM MẦM SỰ SỐNG
[ Cập nhật vào ngày (26/07/2019) ]
Hình ảnh tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản
Hình ảnh tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản

Cách đây 41 năm, ngày 25/7/1978, em bé thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên trên thế giới ra đời. Từ khi thành công, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF đã giúp hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tìm được hạnh phúc. Ngày 25/7 hằng năm được chọn là Ngày Chuyên viên Phôi học Thế giới nhằm tưởng nhớ Ông Robert Edward - một Chuyên viên phôi học và là phát kiến ra TTTON ở người.


Việt Nam hiện có hơn 30 trung tâm IVF, làm hơn 20.000 trường hợp TTTON mới và khoảng 15.000 chuyển phôi đông lạnh trong một năm. Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ, một trong những trung tâm IVF của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nhiều năm qua, nơi đồng hành cùng hàng trăm ông bố, bà mẹ trên hành trình tìm kiếm những đứa con thân yêu.

Chuyên viên phôi học (CVPH) là những bạn được đào tạo, có kiến thức chuyên ngành về phôi học của người bao gồm về giao tử (noãn, tinh trùng), hợp tử (phôi). Trong công tác Hỗ trợ sinh sản, CVPH sẽ đảm nhận trách nhiệm xử lý, theo dõi, thực hiện các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản trên noãn, tinh trùng và phôi. CVPH sẽ thực hiện tiêm tinh trùng của chồng vào bào tương noãn của vợ, kiểm tra sự thụ tinh, nuôi cấy và theo dõi để đảm bảo quá trình nuôi cấy phôi diễn ra tốt nhất, đánh giá chất lượng của phôi, trữ đông và bảo quản phôi đã trữ đông, rã đông phôi, hỗ trợ phôi thoát màng, hỗ trợ bác sĩ trong chuyển phôi vào buồng tử cung.

Hình ảnh tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản 

Bên cạnh đó, CVPH phụ trách thực hiện việc đánh giá chất lượng tinh trùng, lọc rửa chọn tinh trùng di động tốt để phục vụ cho việc bơm trinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Trong một số trường hợp, CVPH còn thực hiện việc tìm tinh trùng từ các kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoàn, trích tinh trùng từ mô sinh thiết tinh hoàn. Đồng thời, tham gia quản trị chất lượng của khoa nói chung và labo TTTON nói riêng để đưa ra các quy trình chuẩn trong thụ tinh trong ống nghiệm, thực hiện và kiểm tra nghiêm ngặt theo các quy trình đó, nhằm tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để đảm bảo sự phát triển của phôi.

Kỹ sư Công nghệ Sinh học. Trần Thị Bích Ngọc – Chuyên viên phôi học tại khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ: “Niềm vui của những CVPH là nuôi cấy thành công những phôi đẹp, chất lượng tốt, để khi chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ có được kết quả cuối cùng là những em bé khỏe mạnh, xinh xắn được sinh ra. Niềm vui đó sẽ nhân lên bội phần của những cặp vợ chồng có được kết quả điều trị thành công sau bao năm mong chờ những đứa con của mình. Được bế trên tay những em bé mà trong đó có một phần công sức của mình, những CVPH đều có được cảm giác khó tả vì đặc biệt hơn ai hết, các bạn đã từng chăm chút cho các em từ khi còn là những noãn xinh xắn.”

Chuyên viên phôi học tập trung trong công tác chuyên môn

Bên cạnh công tác chuyên môn, các chuyên viên phôi học còn tích cực tham gia các sáng kiến, cải tiến chất lượng trong quá trình công tác, làm việc, tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học. Đã có nhiều đề tài cấp thành phố được nghiệm thu, trong đó mới đây nhất đề tài “Nghiên cứu đặc điểm, tỷ lệ có thai ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm có hỗ trợ phôi thoát màng bằng lazer tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ”. Với kỹ thuật này, sẽ giúp cho việc TTTON có tỷ lệ thành công lên đến 45 - 50% so với TTTON không áp dụng kỹ thuật Hỗ trợ phôi thoát màng. Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu này nhằm hỗ trợ tư vấn và điều trị vô sinh hiệu quả và góp phần giảm tải chi phí cao, lãng phí nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho các gia đình có nhu cầu điều trị hiếm muộn trong thành phố và khu vực ĐBSCL.

Theo ThS. Nguyễn Phan Vinh - Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản cho biết: Hiện tại nhiều kỹ thuật đã được CVPH ứng dụng, triển khai thành công gồm: kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser, trữ/rã đông phôi/noãn/tinh trùng, chuyển phôi trữ, ngân hàng phôi, ngân hàng tinh trùng/noãn, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA), trích tinh trùng từ mô sinh thiết tinh hoàn (TESE). Trong 6 tháng đầu năm 2019, khoa đã giúp cho gần 30 cặp vợ chồng hiếm muộn mang thai bằng TTTON, nâng tổng số bà mẹ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm lên 200 trường hợp. Đây thực sự là một nỗ lực trong phát triển kỹ thuật TTTON và là một minh chứng rõ nét vai trò của Chuyên viên phôi học Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ trong sự nghiệp hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam.

Công việc của các CVPH tuy thầm lặng và ít được Bệnh nhân/khách hàng khi đến điều trị biết đến, nhưng không vì như vậy mà họ buồn lòng, các bạn vẫn nỗ lực, cố gắng hết sức mình để "Thắp sáng hy vọng" cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, mang lại cho họ những gì mà từ lâu vẫn còn chưa trọn vẹn. Cảm ơn các Chuyên viên phôi học, những người đã dành cả thanh xuân cho cho người bệnh, cho nghiên cứu và cho những gia đình hạnh phúc.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ

  In bài viết



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Bạn không muốn bỏ lỡ các thông tin mới nhất?

tin nổi bật


Liên kiết

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ