Phụ khoa

CÁC BỆNH LÝ PHỤ KHOA: PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ SỚM
[ Cập nhật vào ngày (06/11/2019) ]

Bệnh viêm nhiễm phụ khoa là bệnh thường gặp ở phụ nữ. Nếu không được phát hiện sớm và chữa kịp thời sẽ khiến bệnh trở nặng và diễn biến xấu.


2/3 chị em mắc bệnh viêm nhiễm khi khám phụ khoa

Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, 2/3 trường hợp chị em đến khám phụ khoa bị viêm nhiễm đường sinh dục. Đó là chia sẻ của BS.CKII Nguyễn Xuân Thảo, Trưởng khoa Khám bệnh, về tình trạng chị em trong độ tuổi sinh sản chưa chú trọng tầm soát sức khỏe phụ khoa định kỳ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cả hạnh phúc gia đình.

Một số chị em quan niệm cho rằng khi đã lập gia đình hoặc khi lớn tuổi, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh thì mới cần khám sức khỏe phụ khoa định kỳ. Theo bác sĩ Thảo, nhiều chị em tham gia khám sức khỏe định kỳ hàng năm, nhưng chỉ chú trọng đến khám nội khoa, siêu âm, tim mạch đầy đủ nhưng lại “né” khám phụ khoa. Thế nên, khi có vấn đề về sức khỏe sinh sản, chị em mới tìm đến bác sĩ, nhiều trường hợp “muộn màng”, có trường hợp bệnh đã có biến chứng.

Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh lý phổ biến ở hầu hết các chị em phụ nữ. Viêm nhiễm phụ khoa bao gồm: viêm sinh dục dưới: viêm âm hộ do giang mai, hạ cam mềm, sùi mồng gà, Herpes sinh dục, Chlamydia, viêm âm đạo do nhiễm khuẩn, nấm Candida albicans, viêm cổ tử cung do lậu; còn viêm sinh dục trên gồm viêm tử cung, vòi trứng, buồng trứng, viêm phúc mạc chậu và các cơ quan lân cận.

Viêm nhiễm phụ khoa có các biểu hiện: người phụ nữ cảm thấy ngứa âm hộ, âm đạo, nóng rát, tiểu gắt, giao hợp đau, kèm theo có thể ra huyết âm đạo bất thường, huyết trắng màu vàng xanh, mùi hôi. Dịch âm đạo tiết nhiều và đổi màu. Bệnh viêm nhiễm phụ khoa khiến chị em luôn có cảm giác khó chịu, mất tự tin, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như hạnh phúc gia đình. Nếu không được điều trị đúng mức sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm phần phụ, viêm nội mạc tử cung,… thậm chí nếu bị viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến vô sinh hoặc ung thư cổ tử cung. Trong thai kỳ, nếu viêm nhiễm xảy ra có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non hoặc gặp phải tình trạng nhiễm trùng huyết.

Các bệnh lý phụ khoa: phát hiện và điều trị sớm (Ảnh minh họa)

Cần phát hiện và điều trị sớm

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thảo khuyến cáo, để phòng bệnh, cần đề cao nền tảng gia đình 1 vợ 1 chồng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Vệ sinh cá nhân đúng cách: Không thụt rửa âm đạo, không mặc đồ bó chật, ẩm ướt, phơi đồ lót ngoài nắng; vệ sinh vùng kín thường xuyên, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh thường xuyên ít nhất là 4 tiếng một lần; không tự ý dùng hóa chất để vệ sinh vùng kín; vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, không nên tắm ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Sử dụng quần lót phù hợp, tránh mặc đồ lót được làm từ chất liệu như lụa, ren, da, polyester,... trong một thời gian dài. Ngoài ra, các chị em cũng nên tránh mặc các loại như quần lót có dây, quần lót ôm sát,... Những chất liệu và các loại đồ lót này có thể gây kích ứng các mô mềm, làm các nấm men phát triển, dẫn đến mùi hôi. Đảm bảo thay đổi quần lót hàng ngày hoặc thậm chí hai lần một ngày khi ra mồ hôi nhiều. Mồ hôi tích tụ trong quần lót có thể dẫn đến sự phát triển của nấm men trong âm đạo, gây ra mùi hôi. Thay đồ lót và vệ sinh vùng kín sau khi đi bộ hoặc tập thể dục là điều cần thiết.

Ngoài ra, để phòng bệnh viêm nhiễm phụ khoa, chị em cần đi khám bác sĩ ngay khi có bất thường như ngứa, rát, huyết trắng có mùi hôi, tiểu gắt, giao hợp đau hoặc ra huyết âm đạo bất thường để điều trị kịp thời. Định kỳ mỗi 6 tháng chị em nên đi khám phụ khoa một lần để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng. Không nên tự ý mua thuốc vì việc điều trị không phù hợp, không đúng sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn uống giàu tinh bột và đường sẽ kích thích nấm Candida (thủ phạm gây viêm nấm âm đạo) phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế, để phòng tránh viêm nhiễm âm đạo, chị em cần có chế độ ăn lành mạnh, tránh lạm dụng những thực phẩm chứa đường, bánh kẹo, bia rượu, cà phê, sô-cô-la,… trong chế độ ăn của mình. Cần bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin chống oxy hóa như A, C, E, và các vitamin nhóm B, vitamin D; thực phẩm có chứa probiotics vào thực đơn mỗi ngày. Bởi vì những thực phẩm này vừa giúp chị em tăng sức đề kháng cho cơ thể lại rất hữu ích chống lại bệnh viêm nhiễm âm đạo do nấm.

Bên cạnh lợi ích phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm khi khám phụ khoa, thì chị em còn được tầm soát các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ ác tính trong u thực thể buồng trứng là 15%, chiếm 4% trong các ung thư ở phụ nữ. Còn ung thư vú, là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Trước đây ung thư vú thường gặp ở lứa tuổi 40 - 55 tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ hóa. Phát hiện sớm ung thư vú, chị em có cơ hội được điều trị bảo tồn, chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, ung thư vú giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và việc phát hiện chỉ qua khám tầm soát định kỳ, kết hợp giữa khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh.

Một trong những bệnh cần tầm soát trong các đợt thăm khám phụ khoa định kỳ là tầm soát ung thư cổ tử cung, với mục đích phát hiện sớm những tế bào bất thường của cổ tử cung để theo dõi và điều trị kịp thời, tránh tổn thương tiền ung thư diễn biến thành ung thư. Ngày nay, y học tiến bộ, có nhiều phương pháp phát hiện tế bào bất thường với khả năng cao, đạt tỷ lệ chính xác từ 90% đến 97%. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị thành công rất cao. Song song đó, hiện có vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, có tác dụng bảo vệ ở những người trẻ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, phòng nhiễm HPV. Vắc xin vẫn bảo vệ tốt dù đã có hoặc chưa có quan hệ tình dục, đã nhiễm hoặc chưa nhiễm HPV./.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ