Phụ khoa

TIỀN MÃN KINH VÀ MÃN KINH: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
[ Cập nhật vào ngày (15/05/2019) ]

Trong đời sống của người phụ nữ, ngoài thời kỳ dậy thì thì tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn có nhiều thay đổi về sức khỏe và tâm sinh lý nhất. Theo tiến trình của sinh lý, đây là thời điểm chị em bước vào giai đoạn lão hóa. Việc ngăn chặn, giảm thiểu các biến cố và bảo vệ sức khỏe trong thời kỳ này là rất cần thiết.


Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước giai đoạn mãn kinh của một người phụ nữ. Tiền mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 - 55, cũng có thể kéo dài hơn 2 - 5 năm tùy vào cơ thể mỗi người. Ở phụ nữ tiền mãn kinh sẽ có những thay đổi về nồng độ estrogen và progesterone - hai kích thích tố nữ được sản sinh ra tại buồng trứng. Nhưng giai đoạn này, hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ khiến kinh nguyệt không đều và kéo dài nhiều ngày. Những thay đổi về nội tiết có thể dẫn đến các triệu chứng như bốc hỏa, rối loạn vận mạch… có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi người phụ nữ không có kinh. Trong khoảng thời gian này, chu kỳ kinh nguyệt của chị em có thể bị rối loạn - mất kinh một thời gian sau đó lại có.

Giai đoạn mãn kinh
Mãn kinh là thời điểm người phụ nữ không còn thấy chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện do buồng trứng ngừng sản xuất các hormon estrogen và progesterone. Một khi bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh, chị em không thể có thai được nữa. Dấu hiệu duy nhất để biết đã mãn kinh là chu kỳ của bạn không xuất hiện trong vòng 1 năm (trừ khi bạn bị bệnh hoặc phải dùng thuốc dẫn tới mất kinh). Độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ không giống nhau và chia ra làm 2 loại chính:

+ Mãn kinh sớm: Đây là trường hợp mãn kinh trước khi 40 tuổi. Khi đó, phụ nữ không còn khả năng mang thai được nữa do không còn nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng được, ngoài ra còn gây nên nhiều hiện tượng khô âm đạo, đau rát khi quan hệ khiến đời sống tình dục của người phụ nữ trở nên khó khăn hơn. Những người phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu bia, chiếu tia xạ trị bệnh, rối loạn miễn dịch, phẫu thuật cắt tử cung tuy nhiên vẫn còn 2 buồng trứng thường xảy ra tình trạng mãn kinh sớm.

+ Mãn kinh muộn: là hiện tượng mãn kinh sau 55 tuổi.
Thông thường, thời kỳ mãn kinh xảy ra một cách tự nhiên. Điều đó có nghĩa là bạn không cần phải được can thiệp y tế hay điều trị, trừ khi các triệu chứng khiến bạn thực sự khó chịu. Tuy nhiên, đôi khi mãn kinh là do một bệnh nào đó hay bởi thuốc. Một số phụ nữ lo lắng về thời kỳ mãn kinh và các triệu chứng khó chịu nó có thể gây ra. Nếu vậy, bạn cần tìm đến bác sĩ để cảm thấy thoải mái và chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của mình.

Mãn kinh ảnh hưởng đến mỗi người phụ nữ theo một cách khác nhau. Một số phụ nữ không có triệu chứng, nhưng một số lại có những sự thay đổi nhất định. Những dấu hiệu xung quanh thời kỳ mãn kinh bao gồm:

+ Bốc hỏa: cảm giác nóng bừng mặt, đây là cảm giác tăng đột ngột nhiệt độ ở phần trên hoặc toàn bộ cơ thể của bạn.

+ Khó ngủ: Bạn có thể thấy khó mà ngủ hết đêm, đổ mồ hôi vào ban đêm, đó là do những cơn nóng làm đổ mồ hôi trong khi ngủ. Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi hơn vào ban ngày.

+ Các vấn đề về âm đạo và tiết niệu: Những vấn đề này có thể bắt đầu hoặc tăng nặng hơn trong khoảng thời gian xung quanh thời kỳ mãn kinh. Thành âm đạo có thể khô hơn và mỏng hơn vì nồng độ estrogen thấp. Estrogen cũng giúp bảo vệ bàng quang và niệu đạo. Khi lượng estrogen giảm đi, việc quan hệ tình dục sẽ không thoải mái. Bạn cũng có thể dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo hoặc đường tiết niệu hơn. Một số người bị đi tiểu nhiều hơn hoặc bị tiểu không tự chủ khi cười nhiều hoặc hắt hơi.

+ Thay đổi tâm trạng: giai đoạn mãn kinh, chị em cảm thấy cáu kỉnh, dễ khóc. Nếu bạn đã từng trải qua sự thay đổi tâm trạng trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt hoặc bị trầm cảm sau khi sinh, bạn có thể gặp nhiều vấn đề về tâm trạng trong thời gian mãn kinh hơn. Thay đổi tâm trạng lúc này cũng có thể đến từ sự căng thẳng, thay đổi trong gia đình hoặc cảm thấy mệt mỏi.

+ Thay đổi cảm xúc tình dục: Một số phụ nữ cảm thấy giảm ham muốn, lãnh cảm, rối loạn cực khoái…

+ Loãng xương: Đây là tình trạng mà xương của bạn mỏng và yếu hơn. Nó có thể dẫn đến giảm chiều cao và dễ gãy xương.

+ Những thay đổi khác: Bạn có thể hay quên hoặc khó tập trung. Bạn có thể giảm cơ bắp và tăng chất béo, tăng kích thước vòng eo. Khớp và cơ bắp của bạn cũng có thể cảm thấy cứng và đau nhức. Chị em cũng dễ gặp phải các triệu chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp…

Tùy thuộc vào từng người mà các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh có thể xuất hiện với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tùy thuộc vào tiền sử sức khỏe, chị em có thể cần tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Sau khi bước qua thời kỳ mãn kinh là đến giai đoạn hậu mãn kinh. Hormon sinh dục nữ sẽ không thay đổi tăng giảm theo chu kỳ mà sẽ duy trì ở mức rất thấp.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ Theo Bệnh viện Mỹ Đức TP. HCM

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ