TIN TỨC BỆNH VIỆN

10 NĂM THẮP SÁNG HY VỌNG CHO NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN
[ Cập nhật vào ngày (27/07/2020) ]

Hơn 10 năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn, Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tạo được sự tin cậy của người bệnh. BV từng bước triển khai kỹ thuật cao trong nhiều lĩnh vực, nhiệt tâm, san sẻ những áp lực, khó khăn của các cặp đôi trong hành trình tìm con.


Ngày đầu gian khó…
Hơn 10 năm trước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17 triệu dân trong số này có 2 triệu dân với hơn 300 nghìn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng chiếm khoảng 10 % dân số, với hàng chục nghìn cặp vợ chồng cần can thiệp điều trị. Chỉ một tỷ lệ nhỏ này thì mỗi năm cũng phải tiến hành 800 trường hợp hiếm muộn cần thực hiện kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm. Điều này cho thấy nhu cầu điều trị hiếm muộn nói chung và áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của người dân là rất lớn.

BS.CKII. Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ trao quà đến các gia đình tham dự sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

Chính vì vậy, vào ngày ngày 14/7/2010, Sở Y tế TP. Cần Thơ quyết định thành lập khoa hiếm muộn thuộc BV Đa khoa TP. Cần Thơ nay là khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản TP. Cần Thơ và được Bộ Y tế công nhận cơ sở đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là trung tâm IVF Cần Thơ đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là đơn vị thứ 13 của cả nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Thời điểm này, bệnh viện gặp nhiều khó khăn nhưng đã được UBND TP Cần Thơ đầu tư gần 9 tỉ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị máy móc, thực hiện kỹ thuật TTTON.

BS.CKII. Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ trao hoa thay lời cảm ơn đến các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), UBND thành phố, các Sở, Ban, Ngành

Nhờ có sự chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo từ BV Từ Dũ nên khi khoa Hiếm muộn được thành lập, bệnh viện triển khai ngay kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ sau một năm IVF Cần Thơ đã chào đón em bé đầu tiên ra đời trong ngập tràn niềm hạnh phúc yêu thương của cặp vợ chồng ở Hậu Giang. Đến năm 2014, đã có 50 em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đạt tỷ lệ thành công 22,2%, tăng gấp đôi so với 2010. Và tỷ lệ này, tương đương với các trung tâm trên cả nước lúc bấy giờ. Theo BS.CKII. Huỳnh Thanh Liêm – Trưởng khoa Sanh trước đây là Phó Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết thêm: “Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập với bộn bề khó khăn vì thiết trang thiết bị nên ban đầu, khoa chỉ triển khai điều trị hiếm muộn bàng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Giờ có trang thiết bị và được đào tạo chuyên sâu nên chúng tôi triển khai thành công thụ tinh trong ống nghiệm”.

Niềm vui vỡ òa....
Cũng từ đây những câu chuyện thành công thụ tinh trong ống nghiệm của các cặp vợ chồng hiếm muộn đã hái được “trái ngọt”. Đó là câu chuyện của vợ chồng anh chị Đoàn Kim Khoa ở tỉnh Cà Mau đã trải qua hành trình dài 10 năm tìm kiếm tiếng cười con trẻ. Chỉ khi đến với BV, vợ chồng chị mới có được niềm vui trọn vẹn khi bé Phạm Đoàn Thiên Phúc chào đời vào năm 2012. Chị Khoa chia sẻ: “Hai vợ chồng trải qua thời gian dài với biết bao khó khăn vất cả, kiên trì chữa hiếm muộn. Hạnh phúc mỉm cười sau lần thứ 3 chuyển phôi thành công. Ngày sinh cháu ra, mình không cảm thấy đau đớn, chỉ mong gặp mặt được con. Đến bây giờ, bé đã 8 tuổi, phát triển khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, hoạt bát”. Nói đến đây, chị Khoa nghèn nghẹn, đôi mắt rưng rưng hòa lẫn niềm vui và hạnh phúc và như là thông điệp gửi đến những cặp vợ chồng hiếm muộn: “Đừng bỏ cuộc. Hãy tin tưởng vào y học, phải có niềm tin và sẽ thành công”.

BS.CKII. Quách Hoàng Bảy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ trao quà lưu niệm đến các gia đình tham dự sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

Tháng 9/2014, BV Phụ Sản TP. Cần Thơ là BV chuyên ngành Sản Phụ khoa được thành lập trên cơ sở tách ra từ BV Đa khoa TP. Cần Thơ. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để bệnh viện tiếp tục đầu tư và triển khai hàng loạt kỹ thuật cao về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản làm nền tảng phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo. Bệnh viện đầu tư đưa vào sử dụng hệ thống Laser hỗ trợ phôi thoát thoát màng giúp tăng tỷ lệ làm tổ của phôi. Với thiết bị này, khoa triển khai ngay kỹ thuật phôi thoát màng bằng phương pháp Laser trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2015. Và đó cũng là đề nghiên cứu khoa học cấp thành phố cùng với đề tài “Nghiên cứu các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới 18-49 tuổi có mật độ tinh trùng nhỏ hơn 5 triệu/ml đến khám tại BV Phụ sản TP Cần Thơ” đạt loại xuất sắc. Với thành công này, năm 2018, BV tiếp tục đầu tư tủ nuôi cấy phôi thế hệ mới giúp ổn định môi trường nuôi cấy phôi, hướng đến nuôi cấy phôi giai đoạn Blastocyst và khoa triển khai kỹ thuật nuôi cấy phôi ngày 5 cho tỷ lệ thành công thụ tinh trong nghiệm đạt từ 50-70%. Cũng từ kỹ thuật này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền Nhiên ở TP. Cần Thơ đến đây thực hiện TTTON chỉ 1 lần chuyển phôi đã cho “trái ngọt”.

Hình ảnh lưu niệm của các gia đình tại sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

Hình ảnh lưu niệm của các gia đình tại sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

ThS.BS. Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết: “Với 2 kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng Laser và nuôi cấy phôi ngày 5 đạt tỷ lệ thành công cao thụ tinh trong ống nghiệm. Qua đó, khẳng định thương hiệu, tạo niềm tin hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là động lực để tập thể khoa nỗ lực nhiều hơn trong công tác chuyên môn, đặc biệt là thường xuyên triển khai nhiều kỹ thuật cao trong thời gian tới”. Cùng với việc triển khai các kỹ thuật cao, BV Phụ sản TP Cần Thơ còn có nhiều lợi thế hơn các trung tâm trong cả nước, được Tổng cục Dân số - KHHGĐ đầu tư Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phụ trách 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, với sự liên kết giữa các khoa như khoa Sanh, khoa Phụ, khoa Nhi - Sơ sinh, khoa Sản bệnh đã góp phần vào sự thành công trong thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

"Tiếng lành đồn xa”, lượng bệnh nhân ngày càng tăng, nếu như năm 2014 khoa tiếp nhận 3.322 bệnh nhân khám hiếm muộn thì đến năm 2019 có 9.891 bệnh nhân. Tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn ngày càng gia tăng. So với năm 2010, đến nay tỷ lệ này tăng gấp 5 lần từ 11,1% của năm 2010 tăng lên 50,7% vào năm 2019. Nguồn thu từ điều trị hiếm muộn của bệnh viện tăng lên gấp 10 lần. Nếu như năm 2010 chỉ thu được 770 triệu đồng, thì đến năm 2019 tăng lên là 7 tỷ 650 triệu đồng. Sau 10 năm đã có 770 em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Hình ảnh lưu niệm của các gia đình tại sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

Hình ảnh lưu niệm của các gia đình tại sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

BS.CKII. Cao Minh Chu - Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ đánh giá cao những thành tựu của IVF Cần Thơ đã vững vàng làm chủ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đạt tỷ lệ thành công 50,7% tương đương với một số trung tâm IVF lớn trên cả nước. Ngành Y tế TP. Cần Thơ tạo mọi điều kiện thuận lợi Trung tâm Hỗ IVF Cần Thơ trở thành trung tâm IVF Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt là triển khai mang thai hộ mở thêm cơ hội cho người dân TP Cần Thơ và các tỉnh thành lân cận, xứng đáng là Trung tâm Y tế của vùng ĐBSCL.

Y học ngày càng tiến bộ nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, IVF Cần Thơ sẽ tiếp tục phát triển để xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo TP. Cần Thơ và kỳ vọng của người dân. Theo BS.CKII Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ: “Thành tựu 10 năm IVF Cần Thơ là động lực để BV phát triển trong thời gian tới và tiếp tục đào tạo nguồn lực chuyên sâu, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản để trở thành trung tâm IVF Đồng bằng sông Cửu Long để người dân được hưởng thụ những tiến bộ của y học trong điều trị hiếm muộn”.

Tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm cùng các gia đình tại sự kiện 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ

Những mong muốn, hoài bão của BV Phụ sản TP. Cần Thơ về 1 trung tâm IVF của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành hiện thực bởi hiện nay IVF Cần Thơ đã có cơ sở vật chất khang trang, thiết bị y tế hiện đại, nguồn nhân lực chuyên sâu ứng dụng các kỹ thuật cao trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để IVF Cần Thơ tiếp tục triển nhiều kỹ thuật mới như: trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD). Và trong tương lai không xa sẽ triển khai thực hiện mang thai hộ để có thêm nhiều và nhiều hơn nữa tiếng cười con trẻ trong hành trình thắp sáng hy vọng của IVF Cần Thơ./.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ

  In bài viết



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Bạn không muốn bỏ lỡ các thông tin mới nhất?

tin nổi bật


Liên kiết

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ