TIN TỨC BỆNH VIỆN

CỨU SỐNG SẢN PHỤ BỊ GIẢM TIỂU CẦU Ở MỨC NGUY HIỂM
[ Cập nhật vào ngày (27/09/2023) ]

Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã cứu sống sản phụ 34 tuổi, ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bị giảm tiểu cầu ở mức quá thấp, có nguy cơ xuất huyết nặng khi sinh, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.


Trước đó, sáng ngày 11/9/2023, sản phụ Tr.T.D được khoa Cấp cứu tiếp nhận trong tình trạng thai 39 tuần 3 ngày, vết mổ cũ, ngôi đầu, chưa chuyển dạ, đau trằn bụng. Sau khi thăm khám, thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ phát hiện lượng tiểu cầu của sản phụ rất thấp. Tiên lượng đây là trường hợp nặng, nguy cơ xuất huyết cao, đe dọa tính mạng cho sản phụ và thai nhi nên tiến hành hội chẩn viện và hội chẩn liên viện cùng với các bác sĩ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.

Trước phẫu thuật, ekip gồm các bác sĩ chuyên sản khoa, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, xét nghiệm di truyền đã thảo luận, lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kịch bản dự phòng trường hợp sản phụ mất máu, giảm tiểu cầu khi phẫu thuật mổ bắt con. Sản phụ được truyền 1 đơn vị tiểu cầu với mục tiêu đưa ngưỡng tiểu cầu an toàn cho phép phẫu thuật bệnh nhân. Đồng thời, để phòng tránh em bé nguy cơ mắc bệnh lý giảm tiểu cầu, khoa Nhi Sơ sinh đã bố trí bác sĩ cùng trang thiết bị y tế hiện đại túc trực cùng ekip phẫu thuật để sẵn sàng cấp cứu.

Nhân viên y tế chăm sóc cho sản phụ

Vào lúc 23h40’ cùng ngày, sản phụ được mổ lấy thai cấp cứu với ekip các bác sĩ gồm: BS.CKII. Vũ Đăng Khoa, BS.CKI. Lương Đức Long, BS. Nguyễn Hoàng Thành, BS.CKII. Huỳnh Công Tâm. Ca mổ bắt con được thực hiện khẩn trương để giảm thiểu tình trạng mất máu. Bé trai cân nặng 4000 gram chào đời an toàn, lượng máu mất do mổ lấy thai rất ít, sản phụ chỉ phải truyền 1 đơn vị tiểu cầu bổ sung sau phẫu thuật. Hiện sản phụ được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa PTGM-HSTC-CĐ và bé phát triển ổn định, khỏe mạnh.

Theo BS.CKII. Vũ Đăng Khoa – Trưởng khoa Sản bệnh cho biết, giảm tiểu cầu hay tiểu cầu thấp là một rối loạn máu thường gặp trong thai kỳ chiếm khoảng 5-10% thai phụ gặp phải tình trạng này khi mang thai. Nguyên nhân giảm tiểu cầu có thể do thai nghén, mắc bệnh giảm tiểu cầu vô căn, tiền sản giật và hội chứng HELLP, gan nhiễm mỡ cấp tính, thiếu hụt dinh dưỡng, dùng thuốc trị bệnh… Tình trạng giảm tiểu cầu có thể gặp ở tất cả giai đoạn của thai kỳ và thường gặp trong tam cá nguyệt thứ ba, bệnh diễn tiến rất âm thầm, không có triệu chứng cảnh báo sớm. Khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm vượt ngưỡng an toàn sẽ gây tình trạng chảy máu (xuất huyết), khả năng đông máu và khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi. Sản phụ có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da hoặc biến chứng xuất huyết não dẫn tới tử vong. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa, đặc biệt, khi phát hiện thai có giảm tiểu cầu, cần tuân thủ theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra./.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ

  In bài viết



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Bạn không muốn bỏ lỡ các thông tin mới nhất?

tin nổi bật


Liên kiết

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ