Toan hóa ống thận ( Renal Tubular Acidosis_RTA)
Toan hóa ống thận (nhiễm toan ống thận) xảy ra khi thận không loại bỏ acid từ máu vào nước tiểu như bình thường. Nồng độ acid trong máu sau đó trở nên quá cao, máu có tính chất toan và được gọi là nhiễm toan chuyển hóa. Một số loại acid trong máu là bình thường do cân bằng acid – base nội môi, nhưng quá nhiều acid có thể làm rối loạn nhiều chức năng của cơ thể.
Nhiễm toan ống thận và Ibuprofen
Một số nghiên cứu đã báo cáo về các trường hợp toan ống thận do Ibuprofen. Cụ thể, năm 2011, Jenifer L Ng đã ghi nhận 4 trường hợp đe dọa tính mạng, hạ kali máu do toan ống thận liên quan đến Ibuprofen. Năm 2016, Đặng Minh huân báo cáo 1 trường hợp tiêu cơ vân thứ phát hiếm gặp do nhiễm toan ống thận liên quan đến Ibuprofen. Một trường hợp tiêu cơ vân, hạ kali máu và giảm phosphat máu kèm theo nhiễm toan ống thận hỗn hợp do ibuprofen được Patil S. báo cáo năm 2018. Theo sau đó, 116 trường hợp khác đã được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu VigiBase của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê út (SDFA).
SFDA đã trích xuất các trường hợp có điểm hoàn thiện = 0,5 (10 trường hợp) để đánh giá mối quan hệ nhân quả. Kết quả đánh giá cho thấy, tất cả các trường hợp nhiễm toan ống thận đều có nhiều khả năng hoặc có thể liên quan đến ibuprofen. Tín hiệu an toàn thuốc phát hiện được qua khai phá dữ liệu được biểu thị bằng chỉ số IC. Với cặp thuốc - ADR trên, chỉ số IC được tính toán = 4,2 cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê.
SFDA đã kết luận, từ dữ liệu báo cáo ca ADR hiện có, dữ liệu về thuốc cùng nhóm và bằng chứng từ y văn cho thấy có mối liên hệ giữa ibuprofen và nhiễm toan ống thận. Cần đánh giá sâu hơn về tín hiệu này để xác định nguy cơ và cảnh báo nhân viên y tế về biến cố bất lợi có thể xảy ra.
Cơ chế bệnh sinh
Cơ chế của RTA do ibuprofen gây ra chưa được hiểu rõ. Theo Patil S., Subramany S., sự ức chế carbonic anhydrase (CA) II do dùng quá liều ibuprofen có thể là nguyên nhân dẫn đến RTA. CA là enzyme xúc tác quá trình hydrat hóa thuận nghịch của carbon dioxide thành bicarbonate và H + . Nó hiện diện ở cả ống lượn gần và ống lượn xa và cần thiết cho quá trình axit hóa nước tiểu. Ibuprofen có thể gây ra RTA ở cả đoạn gần và đoạn xa.
Tài liệu tham khảo
1. Patil S., Subramany S., Patil S. Ibuprofen abuse—a case of rhabdomyolysis, hypokalemia, and hypophosphatemia with drug-induced mixed renal tubular acidosis. Kidney Int Rep. 2018;3:1237–1238.
2. Bichard L., Toh D. Ibuprofen-induced distal (type 1) renal tubular acidosis and hypokalaemia: the dangers of ibuprofen-codeine combination over-the-counter preparations. Intern Med J. 2017;47:707–709.
3. Ng JL, Morgan DJ, Loh NK, Gan SK, Coleman PL, Ong GS, et al. Life-threatening hypokalaemia associated with ibuprofen-induced renal tubular acidosis. Med J Aust 2011;194:313–6.
4. Trung tâm DI & ADR quốc gia. http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2415/SFDA-nguy-co-nhiem-toan-ong-than-khi-su-dung-ibuprofen.htm
5. MSD manual. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-di-truy%E1%BB%81n/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-v%E1%BA%ADn-chuy%E1%BB%83n-t%E1%BA%A1i-th%E1%BA%ADn/toan-h%C3%B3a-%E1%BB%91ng-th%E1%BA%ADn
6. Bản tin dược phẩm của WHO: 2023, số 3, https://apps.who.int/iris/handle/10665/372279
Ds. CK2. Quách Tố Loan