KIẾN THỨC SẢN KHOA - HIẾM MUỘN

HẸP BAO QUY ĐẦU
[ Cập nhật vào ngày (01/07/2022) ]


Đại cương

Giải phẫu học bao quy đầu

Bao quy đầu gồm phần da bên ngoài, hần niêm mạc bên trong và dải ngang nối hai phần này với nhau.

Hình 1: Giải phẫu học bao quy đầu

Bào thai học và chức năng của bao quy đầu

Bao quy đầu phát triển từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 và hoàn thành vào tuần thứ 16 đến tuần 20 của thời kỳ bào thai. Lớp thượng bì của mặt trong bao quy đầu, rãnh quy đầu và quy đầu cùng là tế bào vảy giống nhau. Ban đầu lớp thượng bì này dính nhau và bắt đầu từ tuần thứ 24 của thai kỳ thì chúng bắt đầu tách rời nhau. Quá trình này vẫn chưa kết thúc khi sinh, do vậy, bao quy đầu của trẻ sơ sinh không kéo xuống được. Sự tách ra sẽ tiếp diễn nhờ sự phát triển dương vật, sự tích tụ chất bợn và sự cương dương vật.

Chức năng của bao quy đầu: 

  • Ngăn chặn loét lỗ ngoài niệu đạo do tổn thương của quy đầu vì tiếp xúc với các lớp ẩm ướt.
  • Làm cho khoái cảm tình dục dễ dàng vì có các đường dẫn truyền thần kinh nhạy cảm.
  • Cung cấp chất bôi trơn để khi cọ sát với âm đạo, không gây nên chấn thương.
  • Tạo nên thành phần của hệ thống miễn dịch niêm mạc – da, vì bao quy đầu có chứa tế bào Langerhans.
  • Là nguồn cung cấp các nguyên bào sợi sống của người.

Định nghĩa: Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không thể kéo xuống khỏi quy đầu.

Phân loại hẹp bao quy đầu: Ở người Việt Nam trưởng thành, theo Bs.Nguyễn Thành Như (2013), bao quy đầu có các tình trạng sau:

Hình 2: Phân loại hẹp bao quy đầu

  • Loại I: Quy đầu lúc nào cũng lộ ra ngoài tức là bao quy đầu không hẹp.
  • Loại II: Khi dương vật cương mà bao quy đầu cũng tự tuột xuống khỏi quy đầu thì bao quy đầu không hẹp.
  • Loại III: Khi dương vật cương mà phải dùng tay kéo thì bao quy đầu mới tụt hẳn xuống được, thì bao quy đầu dài chứ không hẹp.
  • Loại IV: Nếu khi cương, bao quy đầu tự tuột xuống được, hay dùng tay kéo xuống được, nhưng cảm giác bị thắt nhẹ, đau, nghĩa là bao quy đầu hẹp nhẹ do dải ngang bị xơ nhẹ.
  • Loại V: Nếu bao quy đầu chỉ có một lỗ nhỏ, không tự tuột và dùng tay kéo vẫn không tuột xuống được thì bao quy đầu hẹp thật sự, do dải ngang bị xơ hóa.

Nguyên nhân 

  • Nhiễm  trùng mãn tính (do vệ sinh kém).
  • Tạo sẹo do nhiều lần cố gắng tụt bao quy đầu gây tổn thương.

Triệu chứng

  • Khó khăn khi cương cứng: khi bị hẹp bao quy đầu, dương vật luôn trong tình trạng bị bó chặt do có lớp da quy đầu quá dày bao bọc bên ngoài, bạn phải dùng tay kéo lớp da đó xuống mỗi khi cương cứng thì đầu dương vật mới lộ ra, gây khó khăn mỗi khi đi tiểu và đau đớn mỗi khi quan hệ.
  • Đau khi cương cứng: chính lớp da bao bọc quanh dương vật luôn thắt chặt khiến cho dương vật luôn có cảm giác đau đớn mỗi khi cương cứng, từ đó làm suy giảm ham muốn cũng như chất lượng đời sống tình dục.
  • Dương vật sưng đỏ mọng nước: khi bị hẹp bao quy đầu thì dương vật của bạn sẽ có dấu hiệu sưng tấy, đỏ khiến cho việc tiểu tiện gặp khó khăn, nước tiểu đọng lại không thể thoát hết ra ngoài. Lượng nước tiểu đọng lại này gây viêm nhiễm khiến cho quy đầu dương vật luôn trong tình trạng sưng tấy, ửng đỏ, căng phồng lên.
  • Bựa sinh dục là sự tích tụ các chất cặn được hình thành từ tuyến bã nhờn, nước tiểu, chất nhờn và tế bào da chết do bộ phận sinh dục tiết ra. Dấu hiệu điển hình ở người bị hẹp hoặc dài bao quy đầu  là tích tụ bựa sinh dục do khó vệ sinh bên trong da quy đầu. Chính những bựa sinh dục tích tụ là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nhiễm khiến nam giới dễ mắc các bệnh nam khoa.
  • Xuất tinh sớm: ở nam giới bị hẹp bao quy đầu, lớp da thường bao kín phần quy đầu nên khi có tiếp xúc với cơ thể phụ nữ, nam giới sẽ dễ bị kích thích và hưng phấn quá mức dẫn đến hiện tượng xuất tinh sớm.

Điều trị

Chỉ định phẫu thuật

  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý.
  • Hẹp bao quy đầu bán phần bị nghẹt tái phát.
  • Viêm quy đầu hoặc viêm quy đầu – bao quy đầu tái phát.
  • Viêm quy đầu xơ teo.
  • Mồng gà to, nang bạch mạch bao quy đầu.

Chống chỉ định phẫu thuật

  • Rối loạn đông máu.
  • Phần bụng của bao quy đầu ngắn hoặc không có.
  • Biến dạng gập góc ở lưng dương vật.
  • Mảng xơ ở mặt bụng hoặc mặt lưng dương vật, kết hợp với không có hoặc có bệnh lỗ tiểu lệch thấp.
  • Dương vật nhỏ hay hình chân vịt.

Biến chứng phẫu thuật

  Hình 3: Phẫu thuật cắt bao quy đầu bằng tay

Hình 4: Phẫu thuật cắt bao quy đầu bằng máy

  • Chảy máu.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Chảy máu.
  • Hẹp bao quy đầu tái phát.
  • Dây chằng da.
  • Viêm hoặc hẹp lỗ ngoài cùa niệu đạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Phương Hồng (2019). Chẩn đoán và điều trị một số bệnh nam khoa – Các nghiên cứu khoa học liên quan. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 114 -120.
  2. Nguyễn Thành Như (2013). Nam khoa lâm sàng. Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 255-261.



BSCKI.Nguyễn Phúc Tùng-IVF Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ