NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH RÁCH TẦNG SINH MÔN Ở SẢN PHỤ SINH ĐƯỜNG ÂM ĐẠO KHÔNG CÓ CHỈ ĐỊNH CẮT TẦNG SINH MÔN TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Đặt vấn đề: Hiện nay, thủ thuật cắt tầng sinh môn trong sinh đường âm đạo không còn được khuyến cáo thực hiện thường quy. Do đó, có nhiều trường hợp bảo tồn được tầng sinh môn nguyên vẹn khi sinh, giúp việc sinh hoạt sau sinh thuận tiện, tránh cảm giác đau đớn và giảm được nguy cơ nhiễm trùng. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho công tác điều trị, chăm sóc, phục hồi cho người phụ nữ trong giai đoạn hậu sản cả.
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của sản phụ sau sinh thường không có chỉ định cắt tầng sinh môn; xác định tỷ lệ rách tầng sinh môn, phân độ rách và một số yếu tố liên quan.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang phân tích trên 253 sản phụ sau sinh đường âm đạo tại Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ từ tháng 5/2023 đến tháng 08/2023. Chọn những sản phụ không có chỉ định cắt tầng sinh môn, mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đồng thời xác định tỷ lệ rách tầng sinh môn và các yếu tố có liên quan.
Kết quả: Chiều cao trung bình của sản phụ là 157 ± 5cm; cân nặng trung bình trước mang thai là 54 ±7,5 kg; có 29% BMI ≥ 23; 6,32% sưng nề vết may; AFI trung bình là 11cm; cân nặng trung bình của trẻ sau 3024 ± 314 gam; chuyển dạ tự nhiên chiếm 86%; 17% có giảm đau trong chuyển dạ. Tỷ lệ đau TSM (WHO) lần lượt là: không đau-đau nhẹ 84,58%; đau vừa 13,44%; đau nhiều 1,98%. Có 1/253 thiếu máu nặng; 15/253 trường hợp thiếu máu trung bình; 20/253 thiếu máu nhẹ; 13% glucose máu > 6 mmol/l. Tỷ lệ rách tầng sinh môn khi sinh không có chỉ định cắt tầng sinh môn là 93,41%; tỷ lệ tầng sinh môn nguyên vẹn chiếm 6,23%; rách độ 2 chiếm 83,15%; rách độ 1 chiếm 10,62%; độ 3 (3a) chiếm 0,37%; không có trường hợp nào rách độ 4. Tỷ lệ rách tầng sinh môn có liên quan đến số lần sinh, cụ thể những người sinh con so sẽ có nguy cơ rách tầng sinh môn cao hơn người sinh con rạ. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,02.
Kết luận: Tỷ lệ rách tầng sinh môn ở những sản phụ không có chỉ định cắt tầng sinh môn khi sinh ngac âm đạo còn rất cao. Tỷ lệ rách cao hơn ở những sản phụ sinh con lần đầu so với những sản phụ sinh con rạ.