SIÊU ÂM ĐÁNH GIÁ ỐNG DẪN TRỨNG BẰNG CHẤT TƯƠNG PHẢN DẠNG BỌT (HYFOSY) TRONG ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN
I. TỔNG QUAN
Đánh giá vòi trứng là một phần quan trọng trong kiểm tra đánh giá bệnh nhân hiếm muộn nữ. Hiện nay có đến 20% trường hợp hiếm muộn nữ có nguyên nhân bị bất thường vòi trứng như tắc ống dẫn trứng, ứ dịch ống dẫn trứng, tổn thương vòi trứng do thai ngoài tử cung trước đó, viêm vùng chậu. Trước đây, chụp buồng tử cung – vòi trứng có cản quang (hysterosalpingography, hay HSG) là biện pháp được dùng để đánh giá sự thông vòi trứng được sử dụng trong nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, HSG vẫn có một số mặt hạn chế như làm bệnh nhân phơi nhiễm tia xạ, khó chịu, đau bụng sau thủ thuật.
II. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ ỐNG DẪN TRỨNG
1. Phẫu thuật nội soi ổ bụng
Nội soi ổ bụng (Laparoscopy – LSC) là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán tắc ống dẫn trứng, tuy nhiên phương pháp này có nhiều nhược điểm là xâm lấn, tốn thời gian, tốn nhiều chi phí và dễ gây tai biến như nguy cơ chảy máu trong ổ bụng, tổn thương tạng và nguy cơ tai biến do gây mê toàn thân, bệnh nhân lo lắng, khả năng tạo dính sau mổ (Bosteels, 2007) [1].
2. Chụp buồng tử cung ống dẫn trứng cản quang
Chụp buồng tử cung ống dẫn trứng cản quang (hysterosalpingography, hay HSG) là biện pháp chẩn đoán thay thế ít xâm lấn hơn và có hiệu quả kinh tế hơn LSC, được dùng từ nhiều thập kỷ nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, HSG cũng có những hạn chế nhất định như gây đau đớn, sử dụng chất cản quang có i-ốt và khiến bệnh nhân bị phơi nhiễm bức xạ ion hóa (Lucía Serrano González, 2022) [4]. Tắc ống dẫn trứng trên HSG thường do co thắt hoặc do vị trí của ống dẫn chất cản quang không đúng dẫn tới việc chất cản quang khó đi qua được hai ống dẫn trứng.
3. Siêu âm đánh giá ống dẫn trứng bằng chất tương phản dạng bọt
Siêu âm buồng tử cung – vòi trứng sử dụng chất tương phản dạng bọt (Hysterosalpingo-Foam Sonography, HyFoSy) là biện pháp thay thế HyCoSy và được đưa vào sử dụng năm 2011 cho đến nay. Đây là phương pháp được coi là thích hợp và an toàn để kiểm tra tính thông của ống dẫn trứng. Điều này đã được xác nhận trong một nghiên cứu hồi cứu (Tanaka, 2018) [5] trong số 155 phụ nữ đang điều trị bằng HyFoSy, báo cáo có độ chính xác cao và không có tác dụng phụ khi bệnh nhân quay lại tái khám.
Hình: Hình ảnh mô tả cách tạo chất tương phản dạng bọt. (A): Trộn dung dịch; (B): Dung dịch sau trộn
Hình: Hình ảnh mô tả 2- D HyFoSy. Đường màu trắng thể hiện
ống dẫn trứng thông (Exalto, 2019) [2]
III. HYFOSY GIẢM ĐAU VÀ GIẢM LO LẮNG HƠN HSG
Nghiên cứu của Lucía Serrano González (2022) [4] nghiên cứu trên 210 phụ nữ từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 10 năm 2018 ghi nhận về thang điểm đau, về nỗi đau đã trải qua. Bệnh nhân phải chọn một giá trị từ 0 đến 10 bằng thang điểm Visual Analogue Scale (VAS) để mô tả cảm giác đau trong cả hai kỹ thuật: HyFoSy và HSG. Không có thuốc giảm đau được chỉ định trước khi thực hiện kỹ thuật tác giả ghi nhận HyFoSy ít đau đáng kể hơn so với HSG với Visual Analogue Scale (VAS) trung bình ở điểm 2 so với điểm 5 (p<0,001)
IV. SO SÁNH ĐỘ CHÍNH XÁC HYFOSY VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ TÍNH THÔNG CỦA ỐNG DẪN TRỨNG
Báo cáo đầu tiên về hiệu quả của HyFoSy là một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu quan sát trên 73 phụ nữ vô sinh được tiến hành HyFoSy (MH Emanuel và cs, 2012) [3]. Có 67 (92%) trong số 73 phụ nữ được tiến hành thành công quy trình chẩn đoán. 57 (78%) đánh giá được độ thông vòi trứng và không cần tiến hành thêm xét nghiệm gì khác. 5 bệnh nhân (7%) được xác định tắc vòi trứng bằng HSG, 5 bệnh nhân khác (7%) có khác biệt giữa kết quả HSG và HyFoSy.
Một nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên 4 phụ nữ hiếm muộn có chỉ định đánh giá tính thông của hai ống dẫn trứng (V.Schoubroeck, 2013) [6], bệnh nhân sẽ được chụp HSG trước rồi sau đó được lên lịch để nội soi ổ bụng để đánh giá chính xác tình trạng thông. Khi bệnh nhân được mê nội khí quản, các bác sĩ sẽ tiến hành làm HyFoSy và sau đó là LPS.
Kết quả ghi nhận được:
Bệnh nhân
|
Vòi trứng
|
HSG
|
HyFoSy
|
LPS
|
1
|
Trái
|
Thông
|
Thông
|
Thông
|
Phải
|
Thông
|
Thông
|
Thông
|
2
|
Trái
|
Thất bại1
|
Thông
|
Thông
|
Phải
|
Thất bại1
|
Thông
|
Thông
|
3
|
Trái
|
Tắc
|
Tắc
|
Tắc
|
Phải
|
Tắc
|
Thông
|
Thông
|
4
|
Trái
|
Thông
|
Thông
|
Thông
|
Phải
|
Tắc
|
Thông
|
Thông
|
Ghi chú: Thất bại1 : thất bại với phương pháp HSG
Nhận xét: Từ bảng trên có thể nhận thấy những HyFoSy và LPS tương đồng 100% về độ chính xác, bệnh nhân số 3 tuy đánh giá là tắc ống dẫn trứng bên phải tuy nhiên trong HyFoSy và LPS đều ghi nhận kết quả thông. Trong đó có ống dẫn trứng trái bị tắc thì HyFoSy và LPS đều ghi nhận có tình trạng tắc.
Kết luận: HyFoSy tương đồng 100% với kết quả của LPS.
V. CHI PHÍ THỰC HIỆN CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ TÍNH THÔNG CỦA ỐNG DẪN TRỨNG
Hiện nay chi phí thực hiện các phương pháp này tại Việt Nam có sự chênh lệch khác nhau về dụng cụ, hóa chất cũng như vật tư tiêu hao. Phương pháp được đánh giá rẻ tiền nhất là HSG, kế đến là HyFoSy và mắc nhất là LPS. VÌ LPS là phương pháp phải nằm viện, sử dụng thuốc mê toàn thân và phải có chăm sóc hậu phẫu sau đó.
VI. KẾT LUẬN
Kết quả của những nghiên cứu trên cho thấy xét về cả hai khía cạnh đau và lo lắng HyFoSy đều có mức độ thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với HSG. Hơn thế nữa HyFoSy giúp bệnh nhân không phải tiếp xúc với tia xạ và iodine như với HSG. HyFoSy ít đau hơn và giúp cho bệnh nhân bớt lo lắng hơn, dung nạp tốt hơn so với HSG và không cần phải dùng thuốc giảm đau. Bên cạnh đó những bằng chứng cho thấy rằng độ chính xác của HyFoSy lại tương đương với LPS mà bệnh nhân không cần phải nhập viện hoặc chịu một cuộc mổ với biện pháp xâm lấn có nguy cơ gây nhiều biến chứng.
Hy vọng kỹ thuật mới HyFoSy này sẽ giúp cho các chị em phụ nữ kiểm tra được tính thông của hai ống dẫn trứng nhưng lại khắc phục được nhược điểm so với khi chụp HSG
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bosteels, J., Van Herendael, B., Weyers, S., & D'Hooghe, T. (2007). The position of diagnostic laparoscopy in current fertility practice. Human reproduction update, 13(5), 477-485.
2. Emanuel, M. H., van Vliet, M., Weber, M., & Exalto, N. (2012). First experiences with hysterosalpingo-foam sonography (HyFoSy) for office tubal patency testing. Human Reproduction, 27(1), 114-117.
3. Exalto, N. and Emanuel, M. H. (2019), "Clinical Aspects of HyFoSy as Tubal Patency Test in Subfertility Workup", Biomed Res Int. 2019, p. 4827376.
4. Serrano González et al(2022), Is hysterosalpingo‑foam sonography (HyFoSy) more tolerable in terms of pain and anxiety than hysterosalpingography (HSG)? A prospective real‑world setting multicentre study, BMC Women’s Health, page 1-9.
5. Tanaka, Keisuke, et al. (2018), "Hysterosalpingo‐foam sonography (HyFoSy): Tolerability, safety and the occurrence of pregnancy post‐procedure". 58(1), pp. 114-118.
6. Van Schoubroeck, Dominique, et al. (2013), "The use of a new gel foam for the evaluation of tubal patency". 75(3), pp. 152-156.
BS CKI. Nguyễn Thị Thanh Dung – IVF Cần Thơ