Tại Việt Nam, theo tổng kết các báo cáo sự cố y khoa, tai nạn té ngã dẫn đến tử vong đứng thứ hạng cao trong danh mục sự cố thường gặp. Các tai nạn té ngã chiếm khoảng 4,6% sự cố theo báo cáo của ủy ban an toàn vào năm 2003 [1]. Ghi nhận tại bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, nhiều yếu tố có thể gây té ngã, trong đó có yếu tố về cơ sở vật chất như: giường bệnh cao, song chắn giường thấp, nhà vệ sinh trơn trượt, hành lang ẩm ướt… Các yếu tố về nhân viên y tế như: tư vấn người bệnh, người nhà chưa hiệu quả, đánh giá nguy cơ té ngã chưa đúng. chưa thông báo đầy đủ về nguy cơ té ngã do bệnh lý, do thuốc… Năm 2018, báo điện tử VNExpress có phản ánh một thai phụ bị vỡ tử cung sau khi bị trượt ngã trong nhà vệ sinh tại nhà riêng dẫn đến thai nhi chết lưu.
Phòng ngừa nguy cơ người bệnh bị té ngã trong bệnh viện là một trong những tiêu chí chất lượng của 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ y tế. Té ngã cũng là một trong những sự cố y khoa được báo cáo liên quan đến quá trình chăm sóc, quản lý người bệnh của Bộ y tế. Tác động tiêu cực như chấn thương, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Với vai trò chính là chăm sóc người bệnh, hiểu biết của nhân viên y tế về phòng ngừa té ngã cho người bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ té ngã của người bệnh trong nội viện.
Bệnh Viện Phụ sản thành phố Cần Thơ luôn chú trọng hướng đến an toàn người bệnh, trong đó có hạn chế tối đa các sự cố té ngã. Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ thực hiện với tất cả các trường hợp đến bệnh viện theo các quy trình sau:
- Quy trình phòng ngừa té ngã
- Quy trình đánh giá nguy cơ té ngã
- Quy trình đánh giá và phòng ngừa nguy cơ té ngã đối với người bệnh ngoại trú
Cụ thể, nhân viên tiếp nhận quan sát, tiếp nhận người bệnh ban đầu, hỗ trợ họ di chuyển (nhân viên hỗ trợ hoặc xe đẩy, băng ca) khi nhận thấy người bệnh có khó khăn về: di chuyển, thăng bằng, thị lực kém… 100% người bệnh vào viện được nhân viên y tế khai thác tiền sử và đánh giá nguy cơ ngã. Theo từng thời điểm, từng giai đoạn người bệnh được đánh giá lại nguy cơ để can thiệp phù hợp với tình trạng bệnh lý như sau phẫu thuật, thủ thuật hoặc khi tình trạng bệnh lý thay đổi. Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ ngã, nhân viên y tế lập kế hoạch chăm sóc, theo dõi phù hợp.
Tại bệnh viện, tất cả nhân viên bệnh viện đều có trách nhiệm nhận diện các tình huống và vị trí nguy cơ té ngã trong khuôn viên bệnh viện như: các vị trí chuyển tiếp không bằng phẳng của sàn nhà, sàn nhà mới lau, nhà vệ sinh, bậc thang, dốc… Từ đó, đã và đang áp dụng những cải tiến khắc phục nhằm hạn chế tối đa nguy cơ té ngã. Đồng thời, công tác đánh giá, rà soát định kỳ về nguy cơ té ngã là một trong những hoạt động quan trọng và thường niên của toàn thể nhân viên và Phòng Quản lý chất lượng.
BS. Lâm Thành Đạt - Phòng Quản lý chất lượng