PHỤ NỮ MANG THAI CẦN ĐƯỢC XÉT NGHIỆM HIV, VIÊM GAN B, GIANG MAI SỚM VÀ THƯỜNG QUY
HIV/AIDS là bệnh nhiễm trùng mạn tính do nhiễm virus HIV (Human Immuno deficiency virus) gây nên. Bệnh có giai đoạn tiềm tàng không triệu chứng kéo dài. HIV lây qua 3 đường: đường máu, đường tình dục, đường từ mẹ sang con. Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: mang thai, chuyển dạ, cho con bú.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
Giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Giang mai thời kỳ mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, giang mai bẩm sinh. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ bị giang mai sang con trong thời kỳ mang thai.
Hàng năm, trên thế giới vẫn còn số lượng không nhỏ trẻ sinh ra bị nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm Trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như:
Đối với HIV/AIDS:
- Tuân thủ điều trị thuốc ARV, đảm bảo tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện,
- Gia đình cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để hạn chế lây nhiễm
- Cho trẻ uống ARV dự phòng đúng giờ, đúng liều lượng theo hướng dẫn
- Trong sữa mẹ có vi rút HIV nên bà mẹ cần quyết định cho con bú sữa thay thế, đảm bảo đủ sữa ăn thay thế hoàn toàn trong 6 tháng đầu, để hạn chế lây truyền HIV từ sữa mẹ
- Trường hợp mẹ quyết định cho con bú sữa mẹ phải điều trị bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện.
- Chuyển gửi trẻ đến theo dõi sức khoẻ tại BV Nhi Đồng, xét nghiệm PCR sau sinh 4-6 tuần
Đối với viêm gan B:
- Trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ Thai phụ có nguy cơ lây truyền viêm gan B sang con nên cần áp dụng các biện pháp dự phòng
- Phụ nữ mang thai cần đến khám chuyên khoa truyền nhiễm hoặc cơ sở chăm sóc và điều trị các bệnh về gan để đánh giá tình trạng bệnh viêm gan B (ví dụ BV Nhiệt Đới)
- Điều trị dự phòng lây truyền mẹ con từ lúc thai 24-28 tuần bằng thuốc Tenofovir
- Trong vòng 24 giờ sau sinh bé được tiêm: vắc xin viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B (Hepatitis B Immunoglobuline)
- Cho trẻ bú sữa mẹ.
- Chuyển gửi bé tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại BV Nhi Đồng. Bé sẽ được làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs khi 7-12 tháng tuổi hoặc sau liều vắc xin cuối cùng 3 tháng để đánh giá tình trạng nhiễm HBV và đáp ứng kháng thể.
Đối với giang mai: tuy chưa có vắc xin dự phòng nhưng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm giang mai sẽ không mắc bệnh nếu mẹ được xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm giang mai và được điều trị khỏi hẳn bằng thuốc kháng sinh trong giai đoạn mang thai. Thuốc điều trị giang mai không gây hại cho thai.
Cả 3 bệnh kể trên đều cần sàng lọc phát hiện sớm trong khi có thai, tốt nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, hoặc càng sớm càng tốt trong quá trình mang thai hoặc trước khi chuyển dạ. Có sàng lọc mới phát hiện sớm bệnh để áp dụng các can thiệp điều trị dự phòng đem lại hiệu quả giảm lây truyền cho con dưới 2%.

Nhằm tiến tới mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV, Viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con năm 2030”. Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ luôn không ngừng nỗ lực trong công tác sàng lọc, chăm sóc sức khỏe thai phụ, phát hiện sớm và điều trị dự phòng kịp thời các bệnh lây truyền từ mẹ sang con.
ThS.BS. Văn Thúy Cầm - Phó khoa Sanh, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ