Hoạt động CÔNG ĐOÀN

VIỆT THÁI TÌNH SÂU NGHĨA NẶNG
[ Cập nhật vào ngày (16/11/2021) ]


Thông tin người tham gia:

- Họ tên: Phạm Huỳnh Bảo Trân

- Nghề nghiệp: Viên chức

- Số điện thoại liên lạc: 0907866731 – Email: baotranphamhuynh@gmail.com

- Đơn vị: phòng Tổ chức cán bộ_ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ

- Địa chỉ: số 106 Cách Mạng Tháng 8, phường Cái Khế, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập vào ngày 06 tháng 8 năm 1976, song cho đến những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, sự hợp tác giữa hai nước mới ghi nhận những dấu mốc phát triển rõ rệt bằng những chuyến viếng thăm thực tế của Thủ tướng hai nước. Đáng kể, sau phiên họp nội các chung vào ngày 16 tháng 02 năm 2004 diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam và Nakhon Phanom, Thái Lan, hai bên đã ký kết được rất nhiều văn bản quan trọng. Đây là những văn kiện quan trọng làm nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực trong tương lai (trích Tạ Thị Nguyệt Trang, 2016, Luận văn thạc sĩ Quan hệ Việt Nam – Thái Lan dưới góc nhìn của chủ nghĩa tự do). Đến nay, trải qua hơn 40 năm, hai nước đã ký hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương. Mối quan hệ này không chỉ dừng chân ở “đối tác chiến lược” về phương diện kinh tế mà còn ở an ninh – quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hoá, khoa học công nghệ kỹ thuật…Để đạt được những thành công này, bên cạnh sự tích cực hợp tác, xây dựng tình hữu nghị tốt đẹp của Lãnh đạo hai nước, thì đây còn là “trái ngọt” từ sự cố gắng tạo dựng hình ảnh người Việt đẹp, sự gắn kết giữa Việt kiều Thái và người dân Thái Lan trong khoảng thời gian sống và hoạt động Cách mạng tại đất Thái của chàng trai yêu nước Nguyễn Ái Quốc từ ngày xưa. Đến nay dù đã gần thế kỷ trôi qua, song những hình ảnh đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc sống thanh cao, bình dị vẫn được lưu giữ một cách đầy đủ và chân thật trong các khu tưởng niệm tại Phichit, Udon Thani và Nakhon Phanom.

Theo dòng thời gian, vào tháng 7/1928, sau nhiều năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, trên đường trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên lên đất nước Chùa Vàng tại thủ đô Bangkok. Tại đây, Người ở trong những ngôi chùa của người Việt như Hội Khánh, tên Thái là Mongkhol Samalkhol, chùa ông Năm - Somsanam Boriharn, Tư Tế tự hay còn gọi là chùa Locunukho. Sau một thời gian ngắn tại Bangkok, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sinh sống tại Ban Dong (Bản Đông), tỉnh Phichit, nơi có một xóm nhỏ của người Việt với khoảng hơn 20 hộ gia đình sinh sống. Khi mới đặt chân lên đất Ban Dong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngay lập tức bắt tay vào công việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước cũng như con đường cách mạng của Việt Nam. Việc đầu tiên là Người tập hợp tất cả bà con Việt kiều tại đây gặp mặt, giới thiệu để tạo thiện cảm, Nguời cũng khái quát những biến đổi chính trị quan trọng ở trong nước cũng như trên thế giới, khơi dậy tình yêu đất nước, con người, lòng tự tôn dân tộc và hướng về quê cha, đất tổ bấy giờ đang chịu ách thống trị của thực dân Pháp. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các cuộc họp mang tên “Hội giảng diễn” với sự có mặt đông đủ của bà con Ban Dong. Người tìm hiểu và nắm rất rõ về tình hình Việt kiều tại địa phương, thậm chí còn sâu sắc hơn cả người bản địa. Đối với các khúc mắc tại đây, Người đề nghị thảo luận công khai, để tất cả những người có mặt đều được đóng góp ý kiến, từ đó tìm tiếng nói chung.Vì vậy tuy chỉ gần 2 tuần ngắn ngủi, bà con ở Ban Dong rất tin tưởng và yêu mến Bác. Với những tình cảm tốt đẹp về Người, tháng 12/2013, được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam ở Ban Dong, tỉnh Phichit. Lễ khánh thành Bảo tàng, gồm chín gian trưng bày theo từng chủ đề, diễn ra ngày 01/9/2018.

Nơi đây được xem là nơi ghi lại những dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với thời gian đầu tiên lãnh tụ Hồ Chí Minh từ châu Âu trở về để chuẩn bị cho quá trình thành lập một chính đảng duy nhất lãnh đạo cuộc cách mạng ở nước ta. Hàng năm, Khu tưởng niệm thu hút hàng nghìn lượt người Việt tại Thái Lan và trên khắp thế giới đến tham quan, tưởng nhớ về Người, không những vậy còn là điểm đến quen thuộc của người dân, điểm học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên Thái Lan.

Sau Phichit, giữa tháng 7/1928, Người đến Udon Thani, nơi có đông Việt kiều sinh sống, để sống và làm việc Cách mạng. Tại đây, Bác chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Thanh niên nhằm làm cho người Thái có tình cảm hơn nữa với Cách mạng Việt Nam, kiều bào ta. Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều, nhất là thế hệ trẻ phải tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm và chữ Việt (nguồn: https://baotanghochiminh.vn/khu-tuong-niem-bac-ho-o-thai-lan.htm, truy cập ngày 19/4/2021). Bên cạnh đó, hàng ngày Bác cũng sống và sinh hoạt cùng người dân, cùng họ đào giếng lấy nước, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi lợn gà... Để bảo đảm bí mật, Bác sử dụng nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn..., nhưng mọi người đều gọi Bác với bí danh thân mật là Thầu Chín (Già Chín). Tác phong giản dị của Người đã gây dựng tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân Thái Lan.
Với những gắn bó thân thiết đó, vào năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều thống nhất ý tưởng xây dựng khu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Bác từng sinh sống - bản Noỏng Ôn, xã Chiang Phin, huyện Muong - với khuôn viên rộng gần 10.000m2. Đây cũng là khu tưởng niệm đầu tiên về Bác Hồ được xây dựng tại Thái Lan

Khu di tích chia thành 2 phần. “Trại cưa”, nơi ở của Bác Hồ được phục dựng với ngôi nhà chính 3 gian lợp lá: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái là phòng làm việc và sinh hoạt của Bác; gian bên phải là nơi nghỉ ngơi cho anh em, đồng chí. Trong khoảng sân rộng kế bên lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp.
Phần còn lại là khu nhà đa năng 2 tầng với sân rộng. Ở tầng một, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ với pho tượng đồng Bác theo phong cách truyền thống. Phía sau là hội trường và phòng tiếp khách, nơi các cán bộ Khu di tích kể lại với du khách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ

Đến khoảng cuối năm 1928, Bác rời Udon Thani đến tỉnh Nakhon Phanom cách đó 200km. Tại đây, Người đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Nachok (bản Chó rừng) thành bản Mạy, có nghĩa là “làng mới”, đánh dấu sự đổi mới làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Người còn huy động một số thanh niên trong bản tự đốn gỗ và nung gạch để xây dựng một căn nhà sàn gọi là nhà hợp tác, nơi đây vừa làm nơi sinh hoạt, học tập vừa là nơi tá túc cho cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Ban ngày, Người cùng dân làng ra đồng lao động, tưới rau, bắt cá để sinh sống như một nông dân thực thụ, Người dạy cho họ cách tiết kiệm tiền để sẵn sàng hướng về quê hương, giúp đỡ cách mạng. Những khi rảnh rỗi, sẽ cùng với thanh thiếu nhi trong bản đá bóng với nhau rất sôi nổi.

Vô cùng cảm mến ông Thầu Chín nên khi Bác Hồ đi khỏi bản Mạy, chuyển sang hoạt động ở những địa phương, đất nước khác, bà con Việt kiều ở đây đã nâng niu, trân trọng gìn giữ những hiện vật mà Người để lại. Đặc biệt, khi biết rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ông Thầu Chí năm xưa thì bà con bản Mạy càng tự hào và trân trọng. Ngôi nhà nhỏ mà Lãnh tụ kính yêu từng ở tại bản Mạy không chỉ là di tích lịch sử quý giá gắn với cuộc đời cách mạng sôi nổi của Người, mà còn là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Thái. Ngay cạnh ngôi nhà nhỏ này là Làng hữu nghị Việt - Thái và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền hai nước Việt Nam - Thái Lan xây dựng từ năm 2004. Khu tưởng niệm có diện tích khoảng 12000 m2, được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người (19/05/2016).

Khu tưởng niệm được nối với Làng hữu nghị Thái - Việt bằng một con đường thuận tiện, tạo thành một quần thể du lịch văn hóa, lịch sử. Sau khi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng thăm nhà di tích mô phỏng, khách du lịch sẽ theo con đường đó đến Làng hữu nghị Thái - Việt, nơi có bảo tàng trưng bày các kỷ vật và tranh ảnh, sách báo về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây không chỉ là nơi du khách và bà con Việt kiều tại Thái Lan thắp hương tưởng nhớ Người trong những dịp lễ tết đặc biệt, mà nơi đây đã trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch - lịch sử mang ý nghĩa to lớn, biểu tượng cho mối quan hệ lâu đời và tình bạn bè hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.

Từ những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy cuộc đời hoạt động của anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc -  Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 1928 đến năm 1930. Nhưng tình cảm, ảnh hưởng của “Thầu Chín” - Nguyễn Ái Quốc trong cộng đồng bà con Việt kiều sâu đậm. Hình ảnh và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhân dân Thái Lan sâu sắc. Trên đất Thái, nói đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nói đến sự kính trọng như nói với một người Thầy, một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân. Ở Thái Lan, với báo chí truyền thông, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo lỗi lạc, gần gũi, giản dị. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến Việt Nam, nói đến Việt Nam là nói đến Hồ Chí Minh. Người không chỉ để lại tình yêu thương trong cộng đồng bà con Việt kiều mà còn nhận được sự kính trọng, cảm phục của người dân, chính quyền địa phương.

 

 




PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ

  In bài viết



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Bạn không muốn bỏ lỡ các thông tin mới nhất?

tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ