THÔNG TIN KHÁC

HIỆU QUẢ VÀ AN TOÀN CỦA PHỐI HỢP AMOXICILIN VÀ SULBACTAM
[ Cập nhật vào ngày (22/03/2018) ]


Amoxicilin/sulbactam là phối hợp giữa kháng sinh beta-lactam và chất ức chế beta-lactamase hiện được lưu hành ở một số nước Mỹ La tinh (Argentina, Brazil, Chile, Mexico), Nga, Trung Quốc và Philippin [1]. Tại Việt Nam, phối hợp amoxicilin/sulbactam được sử dụng tương đối phổ biến. Theo dõi Cơ sở dữ liệu Cảnh giác Dược Quốc gia cho thấy số lượng báo cáo phản ứng có hại (ADR) liên quan đến thuốc này được ghi nhận tăng dần từ năm 2012 đến nay, với số lượng báo cáo cụ thể qua từng năm được trình bày trong bảng 1:

 Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 10/2017, Trung tâm DI & ADR Quốc gia ghi nhận tổng số 457 báo cáo liên quan đến phối hợp amoxicilin/sulbactam. Các phản ứng được mô tả chủ yếu liên quan đến dị ứng thuốc, đáng chú ý, tỷ lệ báo cáo phản vệ tương đối lớn (20,1%) (bảng 2). Trong cùng giai đoạn này, Cơ sở dữ liệu về ADR của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigilyze) đã nhận được 1541 báo cáo liên quan đến phối hợp amoxicilin/sulbactam, với 144 báo cáo phản vệ (9,3%).

Trong khi đó, thông tin về hiệu quả của phối hợp amoxicilin/sulbactam trong y văn tương đối hạn chế. Các cơ sở dữ liệu về thông tin thuốc như Dược thư Quốc gia Anh, AHFS Drug Information, Martindale: The Complete Drug Reference, Micromedex đều không có chuyên luận về phối hợp này. Sử dụng Cơ sở dữ liệu Pubmed/Medline của Thư viện Y khoa Hoa Kỳ để tìm các thử nghiệm lâm sàng và bài tổng quan bằng tiếng Anh có liên quan đến phối hợp amoxicilin/sulbactam, kết quả có 1 tổng quan và 5 thử nghiệm lâm sàng được đưa vào phân tích.

Kết quả từ một phân tích meta gồm 30 thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của thuốc phối hợp amoxicilin/sulbactam 500/500 mg dùng đường uống trong một số bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, sản khoa, ổ bụng, da và mô mềm, bệnh do lậu cầu và dự phòng phẫu thuật. Phân tích meta này bằng tiếng Tây Ban Nha và chỉ được nhắc đến trong một tổng quan khác về dược động/dược lực học của thuốc này. Do hạn chế về mặt ngôn ngữ, chúng tôi không thể truy cập được tóm tắt và toàn văn phân tích trên [2]. Trong 5 thử nghiệm lâm sàng được đưa vào phân tích, có một thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, ngẫu nhiên, làm mù người phân tích dữ liệu đánh giá hiệu quả của amoxicilin/sulbactam trên 289 trẻ trong độ tuổi 6 - 48 tháng viêm tai giữa cấp tính không tái phát tại Argentina. Trong đó, nhóm 1 được sử dụng amoxiclin/clavulanat (7:1) 80 mg/kg/ngày (tính theo hàm lượng amoxicilin) chia 2 lần/ngày; nhóm 2 sử dụng amoxicilin/sulbactam (4:1): 80 mg/kg/ngày chia 2 lần/ngày (tính theo hàm lượng amoxicilin). Các thuốc đều được sử dụng theo đường uống. Kết quả cho thấy hiệu quả điều trị vào ngày thứ 12 - 14 và 28 - 42 ở 2 nhóm lần lượt là 98,3% và 94,2% đối với nhóm sử dụng amoxicilin/sulbactam và 98,3% và 95,1% đối với nhóm sử dụng amoxicilin/clavulanat. Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae phân lập được từ dịch mũi của viêm tai giữa cấp tính không tái phát có độ nhạy cao với cả hai thuốc và liên quan đến hiệu quả điều trị cao [3].

 Hiệu quả của phối hợp amoxicilin/sulbactam đã được đánh giá trong hai thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng tiến hành trên 62 trẻ mắc viêm phổi mắc phải ở cộng đồng trong độ tuổi 3 tháng - 15 tuổi được tiến hành ở Mexico. Trong đó, nhóm 1 sử dụng amoxicilin/sulbactam 100 mg/kg/ngày (tính theo hàm lượng amoxicilin) IV chia 3 lần/ngày, sau đó chuyển sang đường uống với liều tương tự và nhóm 2 sử dụng cefuroxim 200 mg/kg/ngày IV chia 3 ngày/ngày, sau đó chuyển sang đường uống 75-100 mg/kg/ngày. Kết quả cho thấy hiệu quả điều trị ở hai nhóm tương đương nhau. 97% bệnh nhân ở nhóm amoxicilin/sulbactam và 100% bệnh nhân ở nhóm dùng thuốc đối chứng đạt hiệu quả điều trị. Các tác giả kết luận hiệu quả điều trị của amoxicilin/sulbactam tương tự cefuroxim trong điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng có biến chứng [4]. Thử nghiệm lâm sàng thứ hai trên bệnh nhân viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là một nghiên cứu đa trung tâm, nhãn mở không đối chứng, với một nhóm đối tượng người lớn sử dụng amoxicilin/sulbactam 875/125 mg đường uống x 2 lần/ngày trong 7 ngày được thực hiện tại Argentina. Kết quả cho thấy amoxicilin/sulbactam dùng theo phác đồ ngắn ngày (7 ngày), đường uống, 2 lần/ngày có hiệu quả và dung nạp tốt để điều trị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có mức độ nguy cơ từ nhẹ đến trung bình [5].

Ngoài các thử nghiệm lâm sàng trên viêm phổi và viêm tai giữa trên, còn một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng trên 96 bệnh nhân dọa đẻ non trong thời kỳ mang thai 24 đến 36 tuần tại một bệnh viện tại Uruguay. Trong đó, một nhóm bệnh nhân được sử dụng amoxicilin/sulbactam 1000/500 mg IV mỗi 8 giờ trong 2 ngày, sau đó chuyển sang đường uống với liều 250/250 mg mỗi 8 giờ trong 5 ngày; nhóm còn lại dùng placebo. Kết quả cho thấy amoxicilin/sulbactam không chứng minh được hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng sinh non [6]. Một nghiên cứu tiến cứu, phân nhóm ngẫu nhiên được thực hiện năm 2015 tại một Khoa Phẫu thuật hàm mặt tại Đức trên 350 bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình mô vùng miệng bằng các vạt tự do. Bệnh nhân được phân thành 4 nhóm: 20 bệnh nhân không dùng kháng sinh, 122 bệnh nhân được sử dụng benzylpenicilin x 3 lần/ngày, 88 bệnh nhân sử dụng phối hợp amoxicilin/sulbactam 3g x 3 lần/ngày, 120 bệnh nhân còn lại được dùng cefuroxim 1,5g x 3 lần/ngày. Các kháng sinh được sử dụng 30 phút trước phẫu thuật và trong vòng 10 ngày hậu phẫu. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng vết thương thấp nhất ở nhóm amoxicilin/sulbactam (p = 0,018; tỷ suất chênh (OR) 0,29; khoảng tin cậy 95%: 0,10 - 0,81). Nghiên cứu kết luận việc sử dụng amoxicilin kết hợp sulbactam trong dự phòng nhiễm khuẩn tạo hình mô vùng miệng bằng các vạt tự do có hiệu quả đáng kể hơn so với các nhóm còn lại [7].

Như vậy, dữ liệu về độ an toàn của phối hợp amoxicilin/sulbactam trong Cơ sở dữ liệu Cảnh giác Dược Quốc gia rất đáng chú ý, với tỷ lệ báo cáo phản vệ tương đối lớn. Trong khi đó, thông tin về hiệu quả của dạng phối hợp này trong y văn lại tương đối hạn chế. Ngoài phân tích meta gồm 30 thử nghiệm lâm sàng bằng tiếng Tây Ban Nha không truy xuất được, chúng tôi chỉ tìm được toàn văn của 5 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến thuốc này bằng tiếng Anh. Nhìn chung, số lượng thử nghiệm lâm sàng về phối hợp amoxicilin/sulbactam còn hạn chế và chỉ được thực hiện trên một số chỉ định nhất định. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trong đa số các nghiên cứu còn nhỏ, một số nghiên cứu chưa được thiết kế tốt để để cung cấp đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của thuốc. Trên cơ sở đó, Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược rà soát lại toàn bộ dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn, từ đó cân bằng nguy cơ - lợi ích của của các thuốc có chứa phối hợp amoxicilin/sulbactam trên thị trường Việt Nam. Để tăng cường an toàn trên bệnh nhân, cán bộ y tế nên thận trọng với nguy cơ phản vệ khi sử dụng thuốc này trước khi có các hướng dẫn và quyết định cụ thể từ Cơ quan quản lý của Bộ Y tế.

Tài liệu tham khảo

1. Sean CS et al, Martindale: The Complete Drug Reference. Monograph “Amoxicillin”, accessed online via http://www.medicinescomplete.com, on November 30th, 2016.
2. Soutric J, Bantar C, et al (2006), "Review of pharmacokinetic, pharmacodynamic and clinical studies with a modern combination of amoxicillin/sulbactam", Chemotherapy, 52(4):200-4.
3. Casellas JM Jr, Israele V (2005), "Amoxicillin-sulbactam versus amoxicillin-clavulanic acid for the treatment of non-recurrent-acute otitis media in Argentinean children", Int J Pediatr Otorhinolaryngol, 69(9):1225-33.
4. Lovera D, Arbo A. (2005), "Treatment of childhood complicated community-acquired pneumonia with amoxicillin/sulbactam", J Chemother, 17(3):283-8.
5. Jasovich A, Soutric J (2002), "Efficacy of amoxicillin-sulbactam, given twice-a-day, for the treatment of community-acquired pneumonia: a clinical trial based on a pharmacodynamic model", J Chemother, 14(6):591-6.
6. Mücke T, Rohleder NH (2015), “The value of perioperative antibiotics on the success of oral free flap reconstructions”, Microsurgery, 35(7):507-11.
7. Keuchkerian SE, Sosa CG (2005); "Effect of amoxicillin sulbactam in threatened preterm labour with intact membranes: a randomised controlled trial", Eur J Obstet Gynecol Reprod Bio, 119(1):21-6.




Nguyễn Mai Hoa, Lương Anh Tùng, Nguyễn Hoàng Anh Theo Cảnh giác Dược

  In bài viết



Hiển thị tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ