Phụ khoa

Thai bám vết mổ cũ: Chẩn đoán và điều trị
[ Cập nhật vào ngày (15/07/2016) ]


Thai bám vết mổ cũ được định nghĩa là sự làm tổ bất thường của túi thai tại sẹo mổ lấy thai trước đó, có thể nằm dưới lớp nội mạc tử cung hay bám trên lớp mô sợi của vết mổ cũ, kèm theo hình ảnh trống của buồng tử cung và kênh cổ tử cung. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, tỉ lệ thai bám vết mổ cũ trước đây vào khoảng 1/2500 – 1/1800.(1) Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, tỉ lệ này ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của tình trạng mổ lấy thai. Thai bám vết mổ cũ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng.(2)

Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thai bám vết mổ cũ, do đó khi nghi ngờ, cần khai thác kỹ tiền sử, khám lâm sàng cẩn thận và đặc biệt là đánh giá các hình ảnh trên siêu âm đầu dò âm đạo.

Nhiều tác giả đã đưa ra một số tiêu chuẩn để chẩn đoán thai bám vết mổ cũ:

1. Test thai dương tính (nên sử dụng β_hCG định lượng).

2. Lòng tử cung và kênh cổ tử cung trống và không có sự liên kết với túi thai.

3. Hình ảnh túi thai hoặc nhau bám tại hoặc gần sẹo mổ cũ, với hình ảnh vòng đôi, có hoặc không có tim thai tùy thuộc tuổi thai.

4. Khiếm khuyết hoặc mất lớp cơ tử cung giữa túi thai và thành bàng quang.

5. Tăng sinh mạch máu quanh túi thai (trên siêu âm Doppler).(3)

     
Như vậy, tất cả các bệnh nhân có sẹo mổ lấy thai trước đó, có test thai dương tính và siêu âm có hình ảnh túi thai nằm thấp ở mặt trước phải nghĩ ngay đến thai bám vết mổ cũ. Khi đã được chẩn đoán, thai bám vết mổ cũ cần phải được điều trị sớm nhằm tránh các biến chứng nặng nề, hiện chia làm hai nhóm điều trị: phẫu thuật và điều trị không xâm lấn. Phẫu thuật đòi hỏi phải vô cảm toàn thân bao gồm: nong và nạo (D&C), cắt khối thai qua các đường: nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng hay mổ mở. Điều trị không xâm lấn bao gồm: tiêm MTX hay KCL tại chỗ hay toàn thân. Một số phương pháp khác cũng đang được sử dụng như thuyên tắc động mạch tử cung (UAE), đặt sonde Foley tại vị trí túi thai nhằm hạn chế chảy máu.(4) Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng cá thể, trong đó có các yếu tố cần lưu tâm như:

- Tuổi mẹ, số con, tuổi thai

- Số lần mổ lấy thai trước đó

- Bề dày lớp cơ tử cung giữa thành bàng quang và túi thai

- Mức độ tăng sinh mạch máu

- β_hCG.(5)

Các phương pháp điều trị thai bám vết mổ cũ hiện nay:

- Hút thai đơn thuần: nên chỉ định trong các trường hợp tuổi thai nhỏ hơn 7 tuần, β_hCG trước điều trị ≤ 5.000 UI/L, chưa có tim thai và vị trí túi thai nằm sát niêm mạc tử cung và có xu hướng lồi về phía tử cung.

- Trong trường hợp tuổi thai lớn hơn 7 tuần, có tim thai, β_hCG > 5.000 UI/L, có tăng sinh mạch máu nhiều quanh túi thai, túi thai lồi về phía thành bàng quang nhiều hơn thì phương pháp điều trị là tiêm MTX toàn thân liều 50mg/m2 da, khi lượng β_hCG giảm ≥ 50% so với trước khi tiêm sẽ tiến hành đặt sonde Foley bơm 10ml nước muối sinh lý tại vị trí túi thai nhằm hạn chế chảy máu và gây sẩy thai. Sau 24 giờ sẽ tiến hành hút thai dưới hướng dẫn siêu âm và vô cảm toàn thân.(6)

- Khi 2 phương pháp trên thất bại ( lượng β_hCG không giảm, chảy máu nhiều, nghi ngờ tổn thương bàng quang ), sẽ tiến hành phẫu thuật lấy khối thai qua đường bụng.

Như vậy, tất cả các thai kỳ có vết mổ cũ cần được quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện sớm bệnh. Siêu âm Doppler phải được làm thường quy đối với trường hợp thai bám đoạn dưới mặt trước tử cung. Khi đã chẩn đoán thai bám vết mổ cũ, bệnh nhân phải được điều trị ở các cơ sở chuyên khoa nhằm tránh biến chứng và duy trì khả năng sinh sản sau này.

Tài liệu tham khảo

1. Seow KM, Huang LW, Lin YH, Tsai YL, Hwang JL (2004), "Caesarean scar pregnancy: issues in management". Ultrasound Obstet Gynecol, 23, 247-253.

2. Wang CJ, Yuen LT, Yen CF, Lee CL, Soong YK (2004), "Three-dimensional power Doppler ultrasound diagnosis and laparoscopic management of a pregnancy in a previous cesarean scar". Laparoendosc Adv Surg Tech, 14, 399–402.

3. Donnez J, Godin PA, Bassil S (1997), "Successful methotrexate treatment of a viable pregnancy within a thin uterine scar". Br J Obstet Gynaecol 104, 1216–1217.

4. Wang YL, Su TH, Chen HS (2005), "Laparoscopic management of an ectopic pregnancy in a lower segment cesarean section scar: a review and case report". J Minim Inv Gynecol 12, 73–79.

5. Fylstra DL (2002), "Ectopic pregnancy within a cesarean scar: a review". Obstet Gynecol Surv, 57, 537-543.

6. Timor-Tritsch IE, Monteagudo A. Unforeseen consequences of the increasing rate of cesarean deliveries: early placenta accreta and cesarean scar pregnancy. A review. Am J Obstet Gynecol. 2012;207(1):14–29.




CN Tăng Kim Thương Theo Ths. Bs Trịnh Hoài Ngọc - Khoa Phụ - Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ