KIẾN THỨC SẢN KHOA - HIẾM MUỘN

VAI TRÒ CỦA CHỤP BUỒNG TỬ CUNG – VÒI TRỨNG (HYSTEROSALPINGOGRAPHY) TRONG ĐIỀU TRỊ VÔ SINH
[ Cập nhật vào ngày (16/06/2016) ]

Năm 1910, Rendflesish đầu tiên ứng dụng tia X vào kỹ thuật chụp buồng tử cung. Trước đây, chụp buồng tử cung được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp nghi ngờ có bất thường trong buồng tử cung như nhân sơ, dính lòng tử cung.


  Cấu tạo bộ phận sinh dục nữ

Ngày nay, sự phát triển của siêu âm, đặc biệt là siêu âm đầu dò âm đạo cũng như kỹ thuật nội soi ngày càng được áp dụng rộng rãi, đã dần dần thay thế vai trò của chụp buồng tử cung. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những phương pháp khảo sát tương đối dễ thực hiện, đơn giản, không cần trang thiết bị hiện đại. Do đó, chụp buồng tử cung - vòi trứng vẫn được sử dụng, đặc biệt trong lãnh vực điều trị Vô sinh ở Việt Nam hiện nay. Được thực hiện tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện phụ sản TP Cần Thơ.

Những trường hợp cần chụp HSG :Trong điều trị vô sinh, HSG được thực hiện chủ yếu trong những trường hợp cần đánh giá độ thông của hai vòi trứng. Người ta thấy rằng nên chụp HSG cho những phụ nữ đến khám vô sinh mà có những yếu tố nguy cơ cao như đã từng có bệnh lý, phẫu thuật vùng chậu ( mổ viêm ruột thừa vỡ, nhiễm trùng vùng chậu…), tiền căn đặt vòng, tiền căn điều trị huyết trắng hay đã từng nạo, sẩy thai….Trường hợp hiếm muộn, khảo sát hình dáng và cấu trúc tử cung và vòi trứng, khảo sát các bất thường bẩm sinh của tử cung, khảo sát sự thông thoát của vòi trứng, dính hay sẹo buồng tử cung sau nạo thai, nhiễm trùng, tìm vòng tránh thai.

Những trường hợp không nên chụp HSG : HSG không nên chụp khi người phụ nữ có thai hay nghi ngờ có thai cũng như đang bị viêm âm đạo, cổ tử cung. Nếu chụp HSG vào giai đoạn này thì người phụ nữ có nguy cơ viêm nhiễm ngược dòng. Ngoài ra, cũng không nên chụp HSG khi tử cung đang xuất huyết nhiều, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập thuốc cản quang vào mạch máu, tạo nên tình trạng thuyên tắc . Hơn nữa, các máu cục có thể sẽ che khuất các thương tổn (nếu có), dị ứng với thuốc cản quang Iode.

(Tuy nhiên HSG cũng có một số mặt hạn chế, kết quả HSG chỉ cho biết vòi trứng thông hay tắc, mà khó quan sát được những tổn thương niêm mạc vòi trứng, cũng như không đánh giá được những tổn thương bên ngoài vòi trứng. Ngoài ra, kết quả HSG còn có một tỉ lệ âm tính giả (trên phim cho thấy 2 vòi tứng bị tắc, nhưng thực tế vẫn thông tốt) do co thắt vòi trứng dưới sự kích thích của chất cản quang.)

(Hiện nay sự phát triển của kỹ thuật nội soi đã bổ sung cho những hạn chế này của HSG. Những trường hợp bệnh nhân đã lớn tuổi, vô sinh kéo dài… nên được nội soi để chẩn đoán, thay vì chụp HSG.)

Kỹ thuật chụp : Bơm một lượng nhỏ chất cản quang vào buồng tử cung qua ngả âm đạo. Dưới áp lực của ống bơm, thuốc đi từ buồng tử cung đến 2 vòi trứng. Nếu sau chụp, thấy có hình ảnh thuốc cản quang trong ổ bụng, thì kết luận 2 vòi trứng thông tốt và kết quả được trả lời là Cotle(+) 2 bên.

Thời điểm chụp tốt nhất là sau sạch kinh 2-3 ngày . Những trường hợp bị rong kinh thì có thể chụp trễ hơn (với điều kiện trước đó không giao hợp) Thông thường số phim cần chụp chỉ là 4 tấm để hạn chế thời gian tiếp xúc với tia X.Trước khi bệnh nhân chụp HSG, cần thăm khám âm đạo để loại trừ viêm nhiễm đường sinh dục.

 

Hình ảnh chụp HSG

Tai biến: Một số trường hợp nếu cơ địa quá nhạy cảm có thể xuât hiện tình trạng dị ứng, do trong thành phần chất cản quang có chứa Iode . Thường bệnh nhân có thể xuất hiện những nốt như mề day, mẫn đỏ… Tuy nhiên, đây là một tai biến rất hiếm gặp.

Một tai biến thường gặp nhất của chụp HSG là nhiễm trùng. Tuy nhiên, có thể tránh được tai biến này bằng cách sử dụng kháng sinh dự phòng trong 5 ngày, có thể bắt đầu trước khi chụp 2 ngày.

(Ngoài ra, đau cũng là một trong những khó chịu mà đa số bệnh nhân than phiền nhiều nhất. Có thể dùng một số loại chống co thắt, gây tê tại chỗ hay dùng Atropine, an thần nhẹ cho bệnh nhân trước khi chụp.)

Kết quả : Các Bác Sĩ chuyên khoa vô sinh sẽ tham khảo kết quả HSG để quyết định điều trị cho bệnh nhân. Nếu 2 vòi trứng thông tốt thì tiến hành điều trị. Sau thời gian điều trị này nếu vẫn không có thai, bệnh nhân nên được nội soi ổ bụng để tìm nguyên nhân có thể có.

Nếu kết quả cho thấy có hình ảnh dãn vòi trứng, hay ứ dịch vòi trứng 1 bên thì có thể cho bệnh nhân điều trị nội. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân điều trị vô sinh, hiện nay có khuynh hướng cho bệnh nhân nội soi để có chẩn đoán chính xác, kịp thời, rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế tình trạng vòi trứng bị xơ hoá sau này. Trên thực tế, không nên chụp HSG đối với những bệnh nhân có hình ảnh ứ dịch vòi trứng trên siêu âm, thay vào đó, bệnh nhân có thể được nội soi chẩn đoán.

Nếu tắc cả 2 vòi trứng thì bệnh nhân sẽ được nội soi để thông hai vòi trứng.




CN Tăng Kim Thương

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ