KIẾN THỨC SẢN KHOA - MẸ VÀ BÉ

BÀ BẦU BỊ SỐT XUẤT HUYẾT ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHI NHƯ THẾ NÀO?
[ Cập nhật vào ngày (08/08/2019) ]

Các mẹ bầu thân mến, sốt xuất huyết là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và hiện nay các đợt dịch đang dần xảy ra phổ biến hơn. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai mắc bệnh rất nguy hiểm và cần được theo dõi liên tục để có sự chăm sóc về mặt y tế hợp lý.


Trong bài viết này, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ xin tổng hợp những thông tin quan trọng liên quan đến vấn đề bà bầu bị sốt xuất huyết, đồng thời khuyến khích các chị em nên tìm hiểu kĩ về căn bệnh này cũng như ảnh hưởng của nó đến thai kỳ để biết cách phòng ngừa hoặc điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền sang cơ thể người trung gian qua một số loại muỗi như Aedes aegypti. Có 4 loại virus gây bệnh. Một khi mắc sốt xuất huyết bạn sẽ phòng ngừa suốt đời với đối với loại virus gây sốt xuất huyết đó, nhưng bạn vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết do 3 loại còn lại.

Bệnh phát triển mạnh ở những vùng nhiệt đới có khí hậu ấm áp và ẩm ướt, chẳng hạn như Việt Nam. Tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định nhưng thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Muỗi aedes aegypti hoạt động tích cực hơn vào ban ngày, đặc biệt là sáng sớm và chiều muộn.

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Bà bầu bị sốt xuất huyết có thể gặp nhiều hệ lụy hơn người bình thường mắc bệnh. Bởi virus làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn.

Một số biến chứng thường gặp do bệnh sốt xuất huyết gây ra khi mang thai:
- Suy giảm tiểu cầu: Là dấu hiệu đáng kể do sốt xuất huyết gây ra, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra khi áp dụng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân trong quá trình sinh.
- Sinh non và sinh nhẹ cân: Nếu bà bầu bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân.
- Sẩy thai: Người mới mang thai trong 3 tháng đầu bị sốt xuất huyết làm tăng nguy cơ sẩy thai.
- Tiền sản giật: Nguy cơ tiền sản giật tăng cao khi bị sốt xuất huyết trong quá mình mang thai.
- Nguy cơ xuất huyết: Phụ nữ sắp sinh nhiễm sốt xuất huyết làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Sốt xuất huyết Deguene: Dạng sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong cho thai nhi cao.

Thông thường, khả năng thai nhi bị nhiễm sốt xuất huyết từ mẹ khá thấp, chỉ xảy ra nếu ở giai đoạn cuối thai kỳ. Nhìn chung bệnh sốt xuất huyết chưa khẳng định được chắc chắn sẽ gây ra dị tật cho trẻ. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan sang trẻ sơ sinh là cần thiết. Nếu người mẹ bị sốt xuất huyết tại thời điểm sinh nở, thì em bé sẽ được kiểm tra các triệu chứng như sốt, số lượng tiểu cầu thấp và phát ban.

Nhận biết dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết kịp thời
Bà bầu bị sốt xuất huyết thường khó phát hiện hơn là ở người bình thường, vì tình trạng pha loãng máu sinh lý ở thai phụ làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để được thăm khám và có những chỉ định điều trị kịp thời.

Triệu chứng sốt xuất huyết khá giống cảm cúm, bạn cần chú ý các dấu hiệu sau:
- Sốt cao kèm theo run rẩy.
- Chảy máu chân răng.
- Mất nước cũng như ăn uống kém ngon miệng.
- Đau đầu dữ dội và tê nhức cơ thể.
- Buồn nôn kèm theo nôn mửa thường xuyên.
- Số lượng tiểu cầu của bạn sẽ giảm xuống mức báo động trường hợp nặng.
- Phần thân trên xuất hiện các mẩn đỏ.
- Khó thở

Mẹ bầu nên đến khám sớm với các biểu hiện cảm cúm, sốt nhẹ, đau đầu, mỏi cơ, tăng tiết dịch hầu họng, đừng nên để đến khi xuất huyết toàn thân mới đến bệnh viện. Bởi bệnh nếu không kiểm soát tốt có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Có cần phải bỏ thai khi bị sốt xuất huyết?
Tùy từng giai đoạn, bệnh sẽ có ảnh hưởng khác nhau với bà bầu. Trong đó giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, thai phụ sẽ gặp nhiều biến chứng hơn giai đoạn giữa. Thể trạng từng người (sức đề kháng, tình trạng mất nước…) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chỉ định của bác sĩ.

Nhưng thường không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. Vì vậy, khi mắc bệnh, mẹ bầu đừng lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng không tốt đến em bé. Thay vào đó, hãy đi khám sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh để có phương hướng chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng thuốc trong thời gian mang thai đâu mẹ nhé!

Chăm sóc mẹ bầu bị sốt xuất huyết
Sau khi khám, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể phù hợp với tình trạng của bạn. Huyết áp và mức tiểu cầu trong máu sẽ được theo dõi liên tục. Mẹ bầu có thể được kê thuốc uống phù hợp để giảm sốt và làm dịu cơn đau trên cơ thể khi cần thiết. Nếu chưa sốt quá 38 độ C, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.

Trường hợp xuất huyết nặng, thai phụ có thể cần nhập viện. Truyền máu và truyền tiểu cầu có thể được thực hiện đề đưa chỉ số tiểu cầu về mức bình thường và thay thế lượng máu bị xuất huyết. Thời gian này, bà bầu nên nghỉ ngơi thật nhiều, uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước do nôn.

Cách đề phòng xuất huyết khi mang thai
Sốt xuất huyết hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do đó, cách ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết nhất là ngăn chặn sự sinh sôi của muỗi – tác nhân truyền bệnh, bằng một số việc làm như sau:
- Diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, không để nước tồn đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng
- Giăng mùng khi ngủ
- Mặc quần áo sáng màu, dài tay.
- Muỗi không thích không khí lạnh thoáng nên bạn hãy luôn giữ cho phòng mát mẻ thoáng khí.
- Sử dụng lưới chống muỗi ở khu vực cửa sổ và cửa ra vào.
- Nếu có thể, bà bầu nên ở nhà lúc sáng sớm và chiều muộn để tránh thời điểm hoạt động tích cực nhất của muỗi Aedes.

Tổng kết, bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhưng có thể điều trị được tốt khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mẹ bầu nên lưu ý tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm nhất có thể. Và trên hết, luôn ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng có vai trò rất quan trọng trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ hi vọng những thông tin chia sẻ trên có thể giúp các bà bầu bảo vệ sức khỏe của chính mình và em bé trong bụng tốt hơn.




Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Liên kiết

Tiện ích

  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TPCT
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ
  • Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ